Lá bài mặc cả của Ukraine trước nguy cơ cuộc phản công bị “đóng băng”

Hồng Anh |

Dù nỗ lực đẩy lùi Nga ra khỏi các vùng lãnh thổ, quân đội Ukraine vẫn đạt được rất ít bước tiến trong suốt 4 tháng qua. Giới phân tích lo ngại, cuộc phản công của Kiev có nguy cơ bị “đóng băng” khi mùa đông đến gần.

“Các cơn mưa mùa thu và cái giá lạnh của mùa đông sẽ làm thay đổi mọi thứ. Điều này sẽ quyết định sự thành bại của các bên. Và bên chiến thắng sẽ là bên có thể thích nghi với các điều kiện mới”, Thiếu tá Viktor Tregubov của quân đội Ukraine, hiện đang chiến đấu tại khu vực Donetsk ở miền Đông nước này cho biết.

Lá bài mặc cả của Ukraine trước nguy cơ cuộc phản công bị “đóng băng” - Ảnh 1.

Binh sỹ Ukraine cầm súng trường đứng trên chiến hào. Ảnh: Getty

Cuộc phản công của Ukraine, diễn ra từ mùa hè năm nay luôn được coi là cuộc chạy đua với thời gian. Cuộc phản công này đã bị trì hoãn nhiều lần do sự chậm trễ cung cấp vũ khí của phương Tây. Hiện giờ Kiev vẫn phải gồng mình chiến đấu với các lực lượng Nga ở nhiều khu vực, tìm cách xuyên phá hệ thống phòng thủ kiên cố của đối phương dọc theo mặt trận phía Nam và phía Đông.

Dù nỗ lực đẩy lùi Nga ra khỏi các vùng lãnh thổ, quân đội Ukraine chỉ giành lại được một số thị trấn và làng mạc, ít hơn so với những gì mà giới lãnh đạo chính trị và quân sự phương Tây kỳ vọng.

Nguy cơ cuộc phản công bị “đóng băng”

Trong bối cảnh điều kiện thời tiết đang dần thay đổi, giới phân tích cho rằng, ngay cả khi tiếp nhận thêm các khí tài quân sự tiên tiến mà Mỹ cam kết cung cấp cho họ trong tuần này, Ukraine vẫn rất khó vượt qua được những thách thức lớn trên chiến trường.

Nga hiện đang kiểm soát 1/5 diện tích lãnh thổ Ukraine, trong đó có các khu vực Lugansk và Donetsk ở phía Đông, Zaporizhzhia ở phía Nam, một phần của vùng Kherson lân cận và bán đảo Crimea.

Andrius Tursa, cố vấn khu vực Trung và Đông Âu tại Công ty Tư vấn Rủi ro Teneo cho rằng: “Đến thời điểm hiện tại, cuộc phản công của Ukraine vẫn chưa hoàn thành các mục tiêu quân sự, chính trị như mong đợi và triển vọng đạt được bước đột phá lớn có vẻ rất hạn chế”.

“Mặc dù gây ra khá nhiều thiệt hại cho các lực lượng vũ trang Nga, cuộc phản công kéo dài 4 tháng rưỡi của Ukraine vẫn không giành được những lợi ích lớn về mặt lãnh thổ, đặc biệt là chưa thể cắt đứt hành lang đất liền của Nga tới Crimea”, ông Andrius Tursa nhấn mạnh.

Cánh cửa cơ hội đối với Ukraine đang thu hẹp dần khi thời tiết thay đổi và “cơn ác mộng” bùn lầy – còn được gọi là "rasputitsa" trong tiếng Nga đến gần.

“Những bước tiến hạn chế của Ukraine suốt 4 tháng qua đã làm mất hy vọng về một thắng lợi lớn trong thời gian tới, đặc biệt khi thời tiết chuyển sang thu khiến việc di chuyển các thiết bị quân sự hạng nặng trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, Nga đang tăng cường gây sức ép ở nhiều khu vực trên tiền tuyến”, ông Tursa lưu ý.

Những con đường ngập trong bùn đất và các cánh đồng lầy lội sẽ ngăn chặn hoạt động tấn công trong nhiều tuần.

“Nhiều người từng hy vọng Ukraine sẽ xuyên thủng được các tuyến phòng thủ của Nga và giành thắng lợi nhanh chóng. Nhưng họ chắc chắn không đủ thời gian để làm điều này”, ông Michael Clarke, chuyên gia quân sự, từng là Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về quốc phòng-an ninh (RUSI) có trụ sở ở London nhận định.

Lá bài mặc cả của Ukraine

Tuy vậy, Ukraine vẫn có một số đòn bẩy. Các lực lượng nước này đã giành được nhiều bước tiến xung quanh thành phố Bakhmut ở miền Đông Ukraine và bờ đông sông Dnieper. Họ cũng chọc thủng được tuyến phòng phòng thủ Nga gần làng Robotyne ở vùng Zaporizhzhia và đang tìm cách tiến về phía Nam tới Tokmak.

Nếu tiếp cận được Tokmak – nơi đóng vai trò là trung tâm vận tải, hậu cần của Nga, vốn được phòng thủ khá nghiêm ngặt, các lực lượng Ukraine sẽ có cơ hội cắt đứt tuyến đường tiếp tế tới Melitopol và Crimea do Moscow kiểm soát.

Chuyên gia Clarke cho rằng, khu vực có thể tạo ra sự khác biệt mang tính chiến lược nhất chính là trục Orikhiv-Tokmak. Orikhiv nằm ở phía Bắc làng Robotyne – một điểm nóng giao tranh, còn Tokmak nằm ở phía Nam ngôi làng. “Trong trường hợp Ukraine giành được Tokmak, họ có thể đưa lực lượng pháo binh và tên lửa tiến tới một khoảng cách gần hơn để có thể tấn công Crimea”.

“Ở cuối giai đoạn phản công, nếu Ukraine có thể biến Crimea trở thành một khu vực nguy hiểm đối với các lực lượng Nga, khiến đối phương cảm thấy không an toàn khi sử dụng nơi đây làm căn cứ quân sự lớn thì đó sẽ là lá bài thương lượng chính trị lớn cho bất cứ cuộc đàm phán nào mà hai bên có thể tiến hành trong năm 2024”, ông Clarke nhấn mạnh.

Vấn đề đối với Ukraine là “điều đó dường như không đủ để thỏa mãn” kỳ vọng của phương Tây. Nhiều nước châu Âu đang bắt đầu mệt mỏi với việc đáp ứng các nhu cầu quân sự và tài chính của Ukraine. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn khi xung đột giữa Israel và phong trào Hamas bùng nổ ở Trung Đông.

Nga vẫn có lợi thế đáng kể

Các nhà phân tích cho rằng, quân đội Nga vẫn có lợi thế nhất định trong cuộc xung đột do họ chủ yếu ở thế phòng thủ thay vì tấn công. Nga có nhiều tháng để xây dựng tuyến phòng thủ nhiều lớp, gồm mạng lưới chiến hào rộng lớn, chướng ngại vật chống tăng như răng rồng, dây thép gai và các bãi mìn. Ngoài ra, Moscow cũng triển khai pháo binh, trực thăng và nhiều máy bay chiến đấu yểm trợ các lực lượng trên mặt đất, gây khó khăn cho hoạt động tiến công của đối phương.

Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết, các bãi mìn đã làm gián đoạn đà tấn công của Ukraine. Ở giai đoạn cao trào của cuộc phản công, từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 8, Ukraine chỉ tiến được trung bình 90m mỗi ngày tại mặt trận phía Nam.

Các nhà phân tích Seth Jones, Riley McCabe và Alexander Palmer của CSIS cho rằng: “Ukraine vẫn giữ thế chủ động nhưng tốc độ tiến quân tương đối chậm chạp và một số bước lùi mà nước này chấp nhận thực hiện để bảo toàn nhân sự, trang thiết bị cho thấy hệ thống phòng thủ của Nga có những lợi thế đáng kể”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại