Sự bình yên giữa bão táp cuộc đời
Dẫu có tên gọi theo đúng chuyên ngành, chuyên môn, thế nhưng chúng tôi vẫn muốn gọi nó bằng cái tên quen gọi của người dân nơi đây: Làng phong Quy Hòa. Bởi cách gọi ấy gọi đúng bản chất cuộc sống của những bệnh nhân đã sống và sẽ sống trọn kiếp người với ngôi làng đặc biệt này.
Lọt thỏm giữa bốn bề là núi và biển, làng phong - cái tên mộc mạc mà mọi người vẫn gọi - mang dáng vẻ lặng yên như cách nó đã tồn tại nhiều năm qua. Dừng chân nơi đây, có thể nhìn thấy biển trời xanh ngát mê đắm lòng người.
Trái ngược với vẻ đẹp ấy, nơi đây có những con người từng nghĩ mình đã rơi vào tuyệt cảnh, mang nặng những nỗi đau từ tinh thần đến thể xác trọn một đời người. Mảnh đất này cũng từng mang nỗi đau tức tưởi vì là nơi mà người ta muốn nó bị chìm vào quên lãng. Với nhiều người, chính những người thân trong gia đình cũng muốn xóa họ khỏi ký ức.
Làng phong Quy Hòa được thành lập vào năm 1929, lúc này chỉ có 52 bệnh nhân. Đến nay, ngôi làng là nơi an cư của hơn 300 hộ gia đình và hơn 400 bệnh nhân phong đến từ khắp cả nước.
Đây cũng là nơi đã chứng kiến sự ra đi vào tuổi 28 của thi sĩ nổi tiếng Hàn Mặc Tử. Ông mất năm 1940, và ông cũng là bệnh nhân thứ 1.134 lúc đó.
Theo trí nhớ chẳng còn rành mạch của những người dân tại làng, từ những ngày đầu, trước kia nơi đây trong tâm trí người dân trong vùng như vạch chéo đỏ cảnh báo nguy hiểm, cũng như chẳng ai muốn đặt chân đến nơi đây.
Những con người sống trong làng không chỉ cô đơn đối diện với bệnh tật, mà còn phải cố thu mình trong cái ốc đảo hẻo lánh, tránh mọi sự tiếp xúc với người thân và người đời. Để rồi, ngôi làng đặc biệt ấy cũng trở thành "ngôi làng bi thương", nơi hiện hữu nỗi đau tinh thần lẫn thể xác của những thân phận kém may mắn...
Thế nhưng làng phong Quy Hòa thời xa vắng ấy nay đã khác nhiều. Nó đã trở thành mảnh đất an cư một đời không chỉ của bệnh nhân phong, mà thậm chí của cả thế hệ thứ hai, thứ ba… được sinh ra từ những số phận thiếu thốn cả một phần thể xác lẫn tình cảm.
Với những người từng gắn bó với nhau trong làng phong, xuất thân từ đâu không còn quan trọng, quá khứ bị hắt hủi từ vùng đất nào dạt tới đây không ai còn muốn nhắc nữa. Với họ, làng phong Quy Hòa là quê hương mà ở đó người khỏe mạnh sẵn lòng sống cùng người bệnh để giúp đỡ, chia sẻ buồn vui.
Theo bác sĩ Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (TP Quy Nhơn, Bình Định), làng phong Quy Hòa thuộc bệnh viện. Gọi là làng cũng đúng mà một đại gia đình cũng đúng vì ở đó không có bất cứ sự phân biệt nào, người nhỏ thì coi người già như cha mẹ, trẻ em xem người lớn như anh chị. Bao năm qua, nghĩa tình được tạo dựng, vun đắp từ trong chính gian nan, bệnh tật.
Ở làng phong, rất nhiều người già bị gia đình lãng quên nên các nhân viên y tế đều xem các cụ như người ruột thịt, điều đó đã tạo nên những yên bình đẹp đẽ trong tâm tưởng người bệnh. Đó cũng là liều thuốc tinh thần cần hiện hữu mỗi ngày, tạo nên bao điều kỳ diệu ngỡ như chỉ có ở cổ tích. Đó là những cuộc hồi sinh, những chuyện tình, những khát vọng được làm điều gian nan nhất...
Nơi ký ức đóng băng
Tôi đến khoa Lão khoa, nơi đang điều trị cho hơn 60 cụ già mắc bệnh phong có hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa. Đây là nơi nhiều cụ già đã sống trọn một đời và cũng chính nơi đây rồi sẽ chứng kiến sự ra đi của các cụ đang hiện diện.
Khoa Lão khoa nằm riêng biệt trong Bệnh viện, khu nhà 2 tầng được xây dựng khá lâu nên đã nhuốm màu thời gian nhưng được phân chia thành từng khu khác nhau, rất sạch sẽ như: khu nhà ở dành cho cụ ông, cho cụ bà, nhà bếp, khu y tế chăm sóc…
- Các chú thăm ai? - Một cụ bà ở tầng trên hỏi vọng xuống.
- Dạ, chúng con thăm tất cả mọi người. - Chúng tôi đáp.
Sau câu trả lời ấy, chúng tôi nhận ra niềm vui được lan tỏa một cách bất ngờ từ bà cụ và tiếng hoan hô phát ra từ những bàn tay bị bệnh tật ăn mòn đã không còn đủ ngón của các cụ còn lại.
Dường như đó là sự bùng nổ từ những cô đơn, thiếu thốn tình cảm và cả sự trông chờ đè nén trong những tấm thân già. Việc người lạ xuất hiện như là điều đáng vui mừng với họ. Và những tấm thân gầy còm thập thò nơi những ô cửa sổ nhỏ ngó đầu ra mỉm cười móm mém, tay vẫy vẫy chào.
Theo ông Phan Giải - Nhân viên Bệnh viện, năm 1985, Khoa có 150 bệnh nhân điều trị và sinh sống, trải qua năm tháng, có người sinh ra và cũng có người mất đi, đến nay chỉ còn lại vỏn vẹn 62 cụ già vẫn sống chung với nỗi đau một đời của mình là bệnh phong - một trong tứ chứng nan y: Phong, lao, cổ, lại.
Ở khu Lão khoa, lịch sinh hoạt hàng chục năm nay không thay đổi là 11h ăn bữa trưa, 16h30 ăn bữa tối. Các hộ lý mang cơm đến cho bệnh nhân tự ăn, hoặc xúc cho người bệnh. Sau bữa tối, dường như các hoạt động ở làng phong đều dừng lại trong không khí im lìm, tĩch mịch.
Căn bệnh phong không chỉ mang đến những vết lở loét, viêm nhiễm làm họ mất dần ngón tay, thậm chí cả bàn tay, bàn chân mà khiến họ có mặc cảm "chịu tội". Thời khắc đau đớn nhất, những người bị phong cùi chỉ biết ghì siết lấy nhau, ôm nhau thật chặt để cùng vượt qua sức tra tấn của bệnh tật. Bàn tay không còn lành lặn nhưng vẫn đủ đem đến sự ấm áp trong cái vuốt ve, cái vỗ tay, cái ôm với người đồng cảnh.
Đồng bệnh tương lân, nhiều người đã nhận nhau là gia đình để chia sẻ, nương tựa vào nhau, nhưng nụ cười vẫn hiếm khi xuất hiện trên gương mặt họ. Họ sống trong sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự ân cần của nhân viên y tế và sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.
Dẫu rằng, sự mặc cảm bệnh tật và tự ti thân phận vẫn ít nhiều ám ảnh, nhưng trong câu chuyện của những cụ ông cụ bà, tôi cảm giác như đã ánh lên nhiều niềm vui sống.
Hiện nay nhờ sự phổ cập kiến thức thức về y tế, số người bệnh đã giảm thiểu, không còn bị xa lánh. Nhưng vẫn còn đâu đó những con mắt ái ngại. Vì vậy, bệnh nhân phong chọn sống trong những cộng đồng tách biệt, cùng những người đồng cảnh ngộ, những người hiểu được tình cảnh của họ.
Một tấm thân, vạn nỗi đau
Bao mùa mưa nắng đã trôi qua kể từ cái đêm đầy ám ảnh ập đến với cuộc đời mình, nhưng cụ Móc (83 tuổi) vẫn nhớ như chuyện mới xảy ra hôm qua. Cụ sinh ra ở một huyện nghèo thuộc tỉnh Quảng Nam, vừa bước vào tuổi mười tám đôi mươi thì mang trên mình căn bệnh phong quái ác, tay chân co quắp, từng ngón bắt đầu lở loét.
Khi đó, mỗi khi người ngoài tiếp xúc đều bịt mũi, nôn, ói vì thứ mùi ngai ngái, tanh, hôi phát ra từ vết thương trên cơ thể chàng trai trẻ. Hồi đó, để chống lại sự đau đớn, chàng trai tuổi đôi mươi nghe lời người ta, lấy thịt cá mè đắp vào vết thương, con hủi thích chất tanh nên chúng sẽ ăn thịt cá mè thay vì thịt người. Vậy nhưng, việc đó càng làm vết thương trên người Móc nhiễm trùng, hoại tử dẫn đến rơi cả khớp chân, tay.
"Ám ảnh nhất là lúc nửa đêm về sáng, khi đó, bệnh bắt đầu hành. Có lúc tôi nấu nước sôi rồi nhúng cả mười đầu ngón tay, ngón chân vào đó cho "đỡ ngứa". Dứt cơn ngứa lại đến đau xương nhức óc...", cụ Móc bùi ngùi nhớ lại.
Đặc biệt, vào những ngày đông, gió rét buốt đến tận xương tủy, khiến nỗi đau đớn càng nhân lên gấp bội. Nhiều đêm, nước dịch từ vết thương chảy thấm qua đôi tà áo khiến Móc nghĩ tới cái chết để kết thúc mọi đớn đau.
"Bệnh tật biến tôi từ chàng trai cao hơn mét bảy, khỏe khoắn, nặng gần 70 kg trở nên teo tóp, gầy gò không bằng con khỉ ở rừng. Hồi đó, cân nặng của tôi vỏn vẹn 37 kg, thời kỳ nặng nhất cũng chỉ được 44 kg", cụ Móc kể.
Dân làng, họ hàng thấy bệnh của chàng trai trẻ càng ngày càng nặng nên lại thêm xa lánh vì cho rằng Móc bị ma ám quỷ hành nên lở chân, cụt ngón. Ý nghĩ thiển cận và lạc hậu của dân làng đã đẩy cuộc sống của chàng trai trẻ khi đó rơi vào tận cùng bi đát tưởng như không thể nào chống chọi được với những cơn đau thể xác, nỗi tủi phận tâm hồn.
May thay, cách đây hơn 30 năm, cụ Móc được giới thiệu vào làng phong Quy Hòa và điều không bao giờ dám mơ tưởng đã hiện hữu song hành cùng cụ đó là một cuộc sống mới, một ngôi nhà mới với những hàng xóm thân thiện là những bệnh nhân cùng cảnh ngộ.
Còn bệnh nhân Lê Thị Tư (quê TP Quy Nhơn, Bình Định) năm nay 74 tuổi và đã sống ở làng phong hơn 40 năm. Vào làng khi bệnh đã chuyển biến nặng, bà buộc phải cắt đi 2 chân và tháo hết 10 ngón tay.
Bà Tư kể, bà lấy chồng năm 18 tuổi, năm 20 tuổi bà bị bệnh và người chồng bà hết mực thương yêu dứt tình bỏ bà cùng đứa con gái chưa tròn tuổi lại mắc bệnh tim để theo người đàn bà khác.
Mang trong mình căn bệnh bị kỳ thị, bà phải rất vất vả để nuôi con và nuôi chính mình. Rất may, được sự quan tâm điều trị của các y bác sĩ và sự đùm bọc của những bệnh nhân khác tại làng phong, mẹ con bà cũng có được cuộc sống bớt nhọc nhằn.
"Con gái tôi đã có gia đình, hai vợ chồng làm công nhân nên cuộc sống cũng khó khăn. Cũng may, trời thương nên dù bệnh tim nhưng nó vẫn sinh được 2 đứa con. Hàng tháng, con gái vẫn đem các cháu vào thăm. Nhìn con vất vả tôi thương lắm, nhưng thân già lại mang bệnh làm sao giúp được gì cho cháu, cho con", bà Tư chia sẻ.
Chân tay không lành lặn, gần 20 năm nay bà Tư chỉ quẩn quanh trên căn phòng điều trị tại tầng 2. Người bạn duy nhất bà Tư có thể dựa vào để đi lại là chiếc xe đẩy do một người hảo tâm mua tặng. Chiếc xe đã trở thành vật không thể thiếu đối với bà.
Nhìn cách bà Tư điều khiển chiếc xe đẩy cũ kỹ một cách thành thục bằng 2 bàn tay đã cụt hết ngón và đôi chân không còn lành lặn trong khuôn viên khu nhà với người bạn cùng phòng khiến chúng tôi liên tưởng đến niềm háo hức, vui vẻ của những đứa trẻ thành phố sau một ngày học tập vất vả được bố mẹ đưa đi trượt patin. Với bà Tư, những buổi chiều "trượt patin" bằng chiếc xe cũ kỹ quanh khuôn viên là niềm vui rất trẻ thơ và hơn thế nữa đó còn là niềm vui sống, là phương tiện đề bà di chuyển được.
Cụ Hồ Thị Nguyệt, 82 tuổi, quê ở thành phố Huế có thâm niên gần 30 năm sống tại làng. Cụ Nguyệt mắc bệnh phong từ năm 20 tuổi. Chị gái và em trai của cụ cũng mắc bệnh này. Mong ước của cụ là được sống gắn bó với bà con làng phong đến cuối đời.
Dẫu biết mức hỗ trợ dăm, ba trăm nghìn đồng mỗi tháng chẳng phải dư dả, nhưng với cụ Móc, bà Tư, cụ Nguyệt và nhiều bệnh nhân có lẽ như vậy cũng là đủ. Đi gần hết cuộc đời, nếm đủ đau đớn bệnh tật và nhân tình ấm lạnh, nguyện vọng cuối đời họ chỉ là chút niềm vui từ sự quan tâm của cộng đồng, cuối đời ra đi được thanh thản và mong cho cháu con có cuộc sống yên ấm.
Cụ Lê Văn Lân (88 tuổi), người đã có hơn 50 năm sống ở làng phong kể quê cụ ở Quảng Nam, nhưng từ khi phát bệnh phong, thì nơi này trở thành quê hương thứ hai của cụ.
"Trước đây, bệnh nhân phong bị kỳ thị ghê lắm. Chúng tôi về đây, được sống với những người cùng cảnh ngộ, không bị xua đuổi. Có tới hàng chục năm, tôi chưa từng đặt chân ra khỏi mảnh đất này. Giờ bệnh khỏi rồi, kỳ thị cũng bớt rồi, nhưng vẫn ở nơi này thôi, vì được các y, bác sỹ chăm sóc, vì có những mảnh đời giống mình", cụ Lân kể.
Khoa Lão khoa hiện tại cũng đã trải qua nhiều thế hệ, đời này nối tiếp đời khác. Chị Nguyễn Thị Đào, nhân viên chăm sóc các cụ già neo đơn ở đây cũng là con của bệnh nhân phong đã mất tại viện này.
Chị chia sẻ: "Năm 1985 tôi đã ở khoa này, được sự quan tâm của Nhà nước và bệnh viện tôi được nhận làm nhân viên ký hợp đồng dài hạn, nay cũng đã 38 năm rồi. Mình cũng là con của người bị phong, nên cảm giác mọi thứ ở đây như gia đình của mình vậy, hằng ngày không ai bảo ai và công việc nó ăn vào người rồi, mọi khó khăn đều đổi lấy nụ cười của các cụ".
"Dẫu tận cùng đau đớn, vẫn phải cần có nhau" là câu châm ngôn sống của những người bệnh trong khoa. Nơi đây không ai bị bỏ rơi, mặc dù điều kiện vật chất vẫn còn khó khăn, nhưng tình cảm giữa những con người lại tràn đầy.
(Còn nữa)
Kỳ sau: Nơi ươm mầm hạnh phúc của những phận người mang căn bệnh quái ác