Tổng trị giá của hợp đồng ước khoảng 1,7 tỷ USD và được thực hiện theo khuôn khổ chương trình Bán vũ khí ra nước ngoài (FMS) của Lầu Năm góc.
Theo giải thích của Lầu Năm góc, Kuwait trong vài năm trở lại đây là nhiều lần đề nghị phía Mỹ hỗ trợ nâng cấp toàn bộ hơn 200 xe tăng Abrams để đáp ứng các mối nguy cơ mới phát sinh trong khu vực, trong đó có sự lớn mạnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Trong gói nâng cấp mới, xe tăng Abrams của Kuwait sẽ được nâng cấp hệ thống điều khiển hỏa lực từ xa - Common Remotely Operated Weapons Station II. Thiết bị này giúp cải thiện khả năng quan sát của kíp điều khiển với hệ thống quang-ảnh nhiệt mới và việc điều khiển các tổ hợp súng máy trên tháp pháo hoàn toàn từ xa.
Xe tăng Abrams M1A2 / Getty
Ngoài ra, xe tăng Abrams của Kuwait cũng được tái trang bị pháo chính mới, các tổ hợp phòng vệ, chống bắn tỉa và giáp bảo vệ chống lại mối nguy cơ từ vũ khí chống tăng vác vai…
DSCA đánh giá, gói nâng cấp xe tăng dành cho Kuwait không gây mất cân bằng cán cân quân sự khu vực và sẽ đóng góp vào chiến lược an ninh của Mỹ với việc củng cố sức mạnh của quốc gia đồng minh ở khu vực Cận Đông.
Dự kiến, sau khi gói thầu nâng cấp xe tăng Abrams dành cho Kuwait được đệ trình lên Quốc hội Mỹ, giới chức Mỹ sẽ có 30 ngày đánh giá. Nếu không có ý kiến phản biện, hợp đồng sẽ tự động có hiệu lực do Kuwait được coi là đồng minh của Mỹ tại Cận Đông.
Theo nhiều nguồn tin, gói thầu nâng cấp xe tăng Abrams dành cho Kuwait được đệ trình cùng hợp đồng cung cấp tên lửa TOW cho Morocco, trực thăng Chinook cho Saudi Arabia và trực thăng Apache cho UAE... nên cơ hội được phê duyệt là rất lớn.
Với hợp đồng của Kuwait, tổng giá trị các hợp đồng quân sự thông qua DSCA trong 2 tháng đầu tiên của năm tài khóa 2017 (có hiệu lực từ tháng 10/2016) đã lên tới 44 tỷ USD. Giới chuyên gia đánh giá, dưới thời tân Tổng thống Donald Trump, giá trị xuất khẩu vũ khí của Mỹ sẽ tiếp tục tăng mạnh.