Kinh tế Trung Quốc có thể sẽ chịu cú sốc nếu Mỹ áp thuế toàn bộ hàng hóa

Diệp Vũ |

Những sản phẩm công nghệ tiêu dùng chủ yếu mà Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ cho đến hiện tại hầu như chưa chịu tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Tuy nhiên, hãng tin CNBC dẫn lời giới chuyên gia cảnh báo rằng nếu Tổng thống Donald Trump thực hiện lời hứa áp thuế quan lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ, thì hàng công nghệ sẽ chịu ảnh hưởng đặc biệt lớn.

Ông Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty nghiên cứu thị trường HIS Markit, nói rằng những sản phẩm như điện thoại di động, đồng hồ thông minh và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác nhiều khả năng trở thành mục tiêu trong vòng áp thuế tiếp theo của Washington đối với hàng hóa từ Trung Quốc.

Ông Raymond Yeung, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc thuộc ngân hàng ANZ, thì cho rằng điện thoại di động và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác sẽ là mục tiêu cho đợt áp thuế tiếp theo của Mỹ, nếu có.

"Nếu chính quyền Mỹ áp thuế quan bổ sung lên thêm 267 tỷ USD hàng Trung Quốc, thì điều đó sẽ tạo ra một làn sóng những cú sốc đối với các nhà xuất khẩu Trung Quốc", ông Biswas nói.

Theo bà Carol Liao, chuyên gia kinh tế cấp cao thuộc ngân hàng JPMorgan Chase, ôtô là một lĩnh vực khác có thể bị Mỹ tiếp tục nhằm vào. Theo ANZ, những nhóm mặt hàng chính đối mặt nguy cơ là hàng tiêu dùng - chiếm 45% xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, và ô tô - chiếm 4%.

Đến nay, Mỹ đã áp thuế lên tổng cộng 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và ông Trump cảnh báo sẽ áp thuế thêm 267 tỷ USD nữa. Nếu lời cảnh báo này trở thành sự thật, thì hầu như toàn bộ hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đều bị áp thuế.

Ông Biswas cho rằng đợt áp thuế tiếp theo có thể sẽ là một đòn giáng vào các công ty đa quốc gia sản xuất hàng hóa ở Trung Quốc để xuất khẩu, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đến nay, các hãng xe đã cảm nhận được "sức nóng" của chiến tranh thương mại, bởi ông Trump đã áp thuế bổ sung 25% lên nhiều sản phẩm ô tô sản xuất tại Trung Quốc từ tháng 7. Vì lý do này, hãng xe Ford đã từ bỏ kế hoạch xuất khẩu dòng xe Focus Active sản xuất ở Trung Quốc sang Mỹ. Hãng Volvo thì chuyển việc sản xuất dòng xe XC60 từ Trung Quốc sang Thụy Điển để tránh thuế. Hãng General Motors (GM) đang xin được miễn áp thuế bổ sung đối với mẫu xe Buick Envision sản xuất ở Trung Quốc.

Trung Quốc vấp phải hạn chế trong việc dùng thuế quan để trả đũa hàng rào thuế quan của Mỹ, bởi nước này chỉ nhập khẩu 129,9 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ trong năm 2017, nhưng xuất khẩu 505,5 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ.

Bản báo cáo của JPMorgan Chase cho rằng ảnh hưởng kinh tế của thuế quan Mỹ đối với Trung Quốc vẫn sẽ trong tầm kiểm soát cho dù Mỹ áp thuế lên toàn bộ hàng Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng sẽ là một vấn đề khiến Bắc Kinh phải lo ngại.

JPMorgan Chase ước tính rằng Trung Quốc có thể mất tới 3 triệu việc làm nếu không có biện pháp đáp trả nào đối với vòng áp thuế tiếp theo của Mỹ. Ngân hàng này cho rằng số lượng việc làm bị mất sẽ giảm còn 700.000 công việc nếu Trung Quốc áp thuế trả đũa đối với hàng Mỹ, cộng thêm đồng Nhân dân tệ giảm giá 5%.

Chuyên gia Biswas nói thêm: "Do các công ty đa quốc gia điều chỉnh chuỗi cung ứng hàng xuất khẩu sang Mỹ bằng cách chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc đang đối mặt với sự suy giảm số lượng đơn hàng và mất việc làm".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại