Kinh tế Trung Quốc có nguy cơ tăng trưởng chậm hơn Mỹ lần đầu tiên kể từ năm 1990

Thu Hương |

Nếu như tiếp tục đi theo con đường này, Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm hơn nữa và khó đoán hơn nữa.

20 năm qua, Trung Quốc vẫn là động lực tăng trưởng lớn nhất và đáng tin cậy nhất của kinh tế thế giới. Nước này đóng góp 1/4 tăng trưởng GDP toàn cầu trong thời kỳ đó, và ghi nhận tới 79 quý tăng trưởng trên tổng số 80 quý.

Trong phần lớn thời gian kể từ khi mở cửa nền kinh tế, đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng cách tiếp cận rất thực tế để tạo ra tăng trưởng, khéo léo kết hợp cải cách thị trường với mệnh lệnh điều hành từ chính phủ.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gặp nhiều khó khăn. Vấn đề nhức nhối nhất là chính sách zero-covid khiến kinh tế suy giảm mạnh. Nếu như tiếp tục đi theo con đường này, Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm hơn nữa và khó đoán hơn nữa. Điều đó gây ra những hệ luỵ tiêu cực cho không chỉ Trung Quốc mà là cả thế giới.

Sau gần 2 tháng, Thượng Hải đang bắt đầu nới lỏng phong toả. Tuy nhiên Trung Quốc chưa thể hoàn toàn thoát khỏi dịch bệnh với các ổ dịch mới xuất hiện ở Bắc Kinh và Thiên Tân. Hơn 200 triệu người vẫn đang tuân thủ các chính sách phòng dịch chặt chẽ và nền kinh tế thì đang gặp nhiều trục trặc. Doanh số bán lẻ tháng 4 giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Sức mua ở tất cả các mặt hàng từ gà rán KFC, ô tô cho đến đồng hồ Cartier đều yếu.

Mặc dù nhiều công nhân đang ăn ngủ ngay tại nhà máy, sản lượng công nghiệp và khối lượng hàng hoá xuất khẩu đều sụt giảm. Rất có thể 2022 sẽ là năm đầu tiên kể từ năm 1990 Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng GDP không cao hơn là bao, thậm chí kém hơn so với Mỹ.

Kinh tế Trung Quốc phải chịu "đòn đánh kép". Đầu tiên là những hệ luỵ từ chính sách zero-covid đã được duy trì tới 28 tháng. Đúng là mở cửa trở lại có thể khiến nhiều người thiệt mạng, nhưng Trung Quốc vẫn đang bỏ phí thời gian quý giá. 100 triệu người trên 60 tuổi chưa được tiêm mũi thứ 3. Nước này từ chối nhập khẩu các loại vaccine công nghệ mRNA từ phương Tây dù hiệu quả hơn. Kế hoạch của Trung Quốc là duy trì zero-covid sang cả năm 2023.

Vì chủng Omicron có tốc độ lây lan rất nhanh, các ổ dịch mới xuất hiện và phong toả là điều không thể tránh. Nhưng thời gian phong toả quá dài khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng không nhỏ.

"Cơn gió ngược" thứ hai là những tác dụng không mong muốn từ chính những cải cách kinh tế mà Trung Quốc đang theo đuổi. Trung Quốc muốn tạo ra những "thay đổi vĩ đại chưa từng thấy trong 1 thế kỷ", ví dụ như chia tách hoàn toàn với Mỹ. Mục tiêu khá rõ ràng: loại bỏ những vấn đề nhức nhối như chênh lệch giàu nghèo, tình trạng độc quyền và nợ, đảm bảo Trung Quốc thống trị những công nghệ mới và củng cố sức mạnh để chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tuy nhiên các quy định mới và một loạt án phạt đã khiến toàn bộ lĩnh vực công nghệ, ngành đóng góp 8% GDP và đang bùng nổ mạnh mẽ, bị khựng lại. Trong khi đó một ngành khác chiếm hơn 20% GDP là bất động sản cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Trong tháng 4, giá nhà ở Trung Quốc giảm 47% so với 1 năm trước.

Chính phủ Trung Quốc kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm nay bằng cách tung ra chương trình kích thích khổng lồ. Hôm 19/5, Thủ tướng Lý Khắc Cường hối thúc các quan chức cần phải "hành động quyết liệt" để khôi phục tăng trưởng. NHTW đã hạ lãi suất thế chấp và bước tiếp theo là một loạt dự án cơ sở hạ tầng tài trợ bằng trái phiếu.

Tuy nhiên có lẽ chừng đó là chưa đủ. Những chính sách mới lại đang góp phần mở rộng thêm phần có năng suất thấp nhất trong nền kinh tế: các doanh nghiệp nhà nước. Chính sách phát triển công nghiệp của Trung Quốc đã đạt được một số thành công vang dội, ví dụ như vị thế thống trị về công nghệ pin. Nước này đặt kỳ vọng vào công nghệ cùng với một loạt quỹ đầu tư quốc doanh mới được lập ra. Nhưng đừng quên những thất bại trong quá khứ như các ngành "vành đai rỉ sét" hay microchip.

Trong khi đó khu vực tư nhân gặp nhiều khó khăn. Thị trường tài chính Trung Quốc chứng kiến dòng vốn chảy ra ồ ạt. Chi phí vốn đã tăng lên: hiện giá cổ phiếu Trung Quốc đang thấp hơn 45% so với cổ phiếu Mỹ, con số thuộc diện cao kỷ lục.

Các nhà đầu tư và giới doanh nhân đang thay đổi suy nghĩ. Giới đầu tư mạo hiểm chuyển sang đặt cược vào những ngành được hưởng nhiều trợ cấp chứ không phải những ý tưởng tốt nhất. Lần đầu tiên trong 40 năm kinh tế Trung Quốc không có ngành lớn nào đang trong quá trình cải cách mở cửa.

Những gì đang diễn ra ở Trung Quốc ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế thế giới. Mặc dù các biện pháp kích thích có thể làm tăng lực cầu, phong toả là thứ sẽ khiến kinh tế toàn cầu - vốn đứng trước nguy cơ suy thoái – phải lao đao. Không tập đoàn đa quốc gia nào có thể phớt lờ Trung Quốc khi toan tính chiến lược kinh doanh, nhưng ngày càng nhiều tập đoàn đang cố gắng kéo chuỗi cung ứng tách khỏi Trung Quốc (ví dụ như Apple).

Trung Quốc vẫn đang kiên trì theo đuổi zero-covid, nhưng sức ép từ nền kinh tế hiện đang lớn hơn bao giờ hết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại