Người dân đi bộ trên phố Regent, London, Anh. Ảnh: Reuters
Theo kênh CNN, Anh đang thúc đẩy tiêm chủng để thoát khỏi cuộc khủng hoảng Omicron với chiến dịch tăng tốc tiêm mũi vaccine tăng cường cho tất cả người trưởng thành đủ điều kiện vào cuối tháng 12.
Trong khi đó tại Nam Phi, các nhà nghiên cứu cho biết dữ liệu ban đầu cho thấy Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ hơn, nhưng vẫn chưa rõ biến thể mới có lẩn tránh hệ miễn dịch được tạo ra khi tiêm chủng hoặc từ các lần nhiễm bệnh trước đó hay không.
Còn tại Đan Mạch, giữa lúc Omicron lây lan mạnh mẽ, giới chức nước này đang cân nhắc áp đặt các hạn chế mới trong nỗ lực kiểm soát sự gia tăng các ca nhiễm biến thể mới.
Vậy các quốc gia khác trên thế giới có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm đối phó với biến chủng mới của 3 quốc gia này?
Omicron có thể lấn át hệ thống y tế
Bất chấp việc nhiều quốc gia áp đặt hàng loạt lệnh hạn chế nhập cảnh từ các nước châu Phi, biến thể này đã nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu. Trong cuộc họp báo hôm 14/12, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết 77 quốc gia trên thế giới đã ghi nhận các ca nhiễm Omicron, và “thực tế biến thể này có thể đã xuất hiện ở hầu hết các quốc gia, ngay cả khi nó chưa được phát hiện”.
“Omicron đang lây lan với tốc độ mà chúng tôi chưa từng thấy ở bất kỳ biến thể nào trước đây. Chúng tôi lo ngại rằng mọi người đang xem nhẹ Omicron. Chắc chắn, chúng tôi đã đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của loại virus này”, ông Tedros nói và cho biết thêm rằng ngay cả khi Omicron gây ra bệnh nhẹ hơn, số ca mắc có thể một lần nữa lấn át các hệ thống y tế chưa được chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với nó.
Hôm 14/12, Anh tuyên bố xóa bỏ toàn bộ 11 quốc gia châu Phi khỏi “danh sách đỏ” hạn chế đi lại, do hiệu quả ngăn Omicron của biện pháp này suy giảm. Ông Michael Head, nhà nghiên cứu cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Southampton (Anh) nhận định: “Tôi nghĩ rằng Omicron sẽ sớm hiện diện ở khắp mọi nơi. Sẽ có rất nhiều ca nhiễm Omicron mà hầu hết các quốc gia vẫn chưa phát hiện ra, một phần là do hệ thống xét nghiệm và năng lực giải trình tự gien còn hạn chế”.
Omicron sẽ nhanh chóng trở thành chủng thống trị
Ngày 27/11, Anh ghi nhận 2 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron. Đến ngày 14/12, Omicron đã vượt Delta để trở thành chủng virus chiếm ưu thế ở London, theo Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh. Giám đốc khu vực y tế công cộng London Kevin Fenton kêu gọi trên Twitter: “Giờ đây, tiêm đủ 2 mũi vaccine và mũi tăng cường càng sớm càng tốt là điều quan trọng hơn bao giờ hết”.
Hôm 14/12, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết các ca nhiễm Omicron trong nước đã tăng gấp đôi khoảng 2 ngày/lần. Ông nói thêm rằng “sự gia tăng các ca nhiễm Omicron ở Anh phản ánh sự gia tăng nhanh chóng mà chúng tôi đang thấy ở Nam Phi”.
Vào ngày 16/12, Anh đã ghi nhận 88.376 ca COVID-19 mới, con số hàng ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Hôm 15/12, Nam Phi cũng ghi nhận số ca mắc hàng ngày cao kỷ lục từ trước đến nay.
Viện Huyết thanh Statens của Đan Mạch (SSI) cho biết Omicron dự kiến sẽ trở thành biến thể thống trị trong tuần này. Nước này đã ghi nhận gần 10.000 ca mắc vào hôm 15/12. Thủ tướng Đan Mạch Mette Fredricksen nói rằng các tỷ lệ mắc bệnh là “rất, rất cao” và bà cho rằng sẽ cần áp đặt các biện pháp mới để phá vỡ chuỗi lây nhiễm.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen dự đoán Omicron sẽ trở thành biến thể thống trị ở EU vào giữa tháng 1. Trong đánh giá rủi ro mới nhất của mình, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo rằng biến thể này rất có nguy cơ sẽ lan nhanh hơn nữa trong khu vực, nó có thể gây ra các trường hợp nhập viện và tử vong đáng kinh ngạc, vượt cả những dự báo đối với Delta.
Tại Mỹ, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, Tiến sĩ Anthony Fauci nhận định Omicron chắc chắn sẽ trở thành biến thể chiếm ưu thế trong nước với thời gian tăng gấp đôi. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ ước tính Omicron hiện chiếm 2,9% ca ca nhiễm trên toàn quốc, so với 96,8% của Delta.
Chỉ tiêm vaccine sẽ không ngăn chặn được Omicron
Các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng khi Omicron lan rộng, các quốc gia sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp phòng dịch để giảm tỷ lệ virus lây lan trong không khí, như giãn cách xã hội và cải thiện hệ thống thông gió trong nhà.
Giám đốc WHO cho rằng: “Các quốc gia phải ngăn chặn sự lây lan của Omicron bằng các biện pháp phòng dịch hiệu quả hiện nay. Đó không phải là chỉ tiêm vaccine mà không đeo khẩu trang, chỉ tiêm vaccine mà không giãn cách xã hội, hay chỉ tiêm vaccine mà không rửa tay thường xuyên. Hãy thực hiện tất cả các biện pháp này cùng lúc thật tốt”.
Cùng với tiêm chủng, Anh đã bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở hầu hết các không gian trong nhà.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nam Phi Joe Phaahla hôm 16/12 cũng kêu gọi người dân cần có trách nhiệm và tuân thủ nghiêm ngặt hơn các biện pháp phòng COVID-19, nhằm ngăn chặn sự gia tăng các ca nhiễm có thể bùng phát trong dịp nghỉ lễ.
Nhu cầu về vaccine và xét nghiệm có thể tăng mạnh
Sự gia tăng của biến thể Omicron có thể thúc đẩy nhiều người tiêm vaccine mũi tăng cường hơn và khiến nhu cầu xét nghiệm COVID-19 tăng đột biến.
Khi Anh mở chương trình tiêm mũi thứ 3 trong tuần này cho tất cả người trưởng thành đủ điều kiện, trang web của Dịch vụ Y tế Quốc gia đã quá tải do nhu cầu tăng mạnh.
Cơ quan y tế Đan Mạch cũng báo cáo rằng rằng hệ thống xét nghiệm COVID-19 của nước này đang chịu áp lực lớn khi tỷ lệ lây nhiễm tăng lên.
Dù nhu cầu về vaccine ở Nam Phi đã không tăng kể từ khi Omicron xuất hiện, nhưng Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã kêu gọi người dân nhanh chóng đi tiêm phòng.
Học cách sống chung với biến thể mới
Cho đến nay, có rất ít quốc gia thảo luận về việc áp đặt các đợt phong tỏa mới trước những lo ngại về sự lây lan nhanh chóng của Omicron. Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng thay vì đóng cửa nghiêm ngặt, chính phủ yêu cầu mọi người thận trọng và “cân nhắc các hoạt động của họ trong dịp Giáng sinh sắp tới”.
“Điều này rất khác so với năm ngoái bởi chúng ta đã có thêm sự bảo vệ của vaccine và khả năng xét nghiệm”, ông Johnson nói.
Song ông Michael Head cho rằng các quốc gia “nên áp dụng linh hoạt việc có thể cần phong tỏa tại một số thời điểm”, cho dù với biến thể Omicron hay các biến thể mới trong tương lai, vì phong tỏa “là một biện pháp hữu ích cuối cùng”.
Các quốc gia đang chật vật đối phó với Omicron vẫn áp dụng một loạt các biện pháp hạn chế khác nhau để ngăn chặn sự lây lan của các biến thể Omicron và Delta. Ví dụ, Na Uy đã đưa ra lệnh cấm phục vụ rượu trong các nhà hàng và quán bar, áp đặt nhiều hạn chế hơn trong các trường học và đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng.
Giới chuyên gia nhận định rằng dường như cũng có một số quốc gia chấp nhận rằng chúng ta sẽ phải học cách “sống chung với biến thể mới” nếu có tỷ lệ tiêm chủng cao.
Tại bang New South Wales của Australia - nơi 93,3% người dân từ 16 tuổi trở lên đã được tiêm chủng đầy đủ - các hạn chế đang được nới lỏng trong tuần này, mặc dù đã ghi nhận các ca nhiễm Omicron. Phát biểu trên đài phát thanh 4BC ngày 15/12, Thủ tướng Scott Morrison nêu rõ: "Chúng ta sẽ sống chung với virus này. Chúng ta sẽ không để nó kéo chúng ta lùi lại."