Từ thương vụ nhommua.com tê liệt: Người tiêu dùng bị bỏ rơi

thanhthao |

Không truy cập được website, hàng triệu khách hàng hoang mang khi nhiều voucher (phiếu mua hàng) bị các nhà cung cấp dịch vụ từ chối...

Không truy cập được website, hàng triệu khách hàng hoang mang khi nhiều voucher (phiếu mua hàng) bị các nhà cung cấp dịch vụ từ chối... đã xảy ra trong 4 ngày website mua bán qua mạng nhommua.com tạm dừng hoạt động. Điều đáng nói là chỉ khi xảy ra sự cố, thì người tiêu dùng (NTD) mới băn khoăn vì không biết nên tìm đơn vị nào để đòi quyền lợi.

Chuyển giao hay thâu tóm

Nhóm Mua – vốn được biết tới là một trong những đơn vị đi đầu về mô hình thương mại điện tử (TMĐT) mua theo nhóm. Cùng với Nhóm Mua, hàng loạt những website hoạt động theo mô hình mua hàng theo nhóm khác như Hotdeal, Cungmua, Muachung, Cucre... đã góp ích rất nhiều trong việc thay đổi tư duy NTD, tạo nên xu hướng mua sắm trực tuyến trong vài năm trở lại đây.

Sự việc bắt đầu vào ngày 13-11, khi HĐQT Nhóm Mua gửi thông cáo báo chí công bố bổ nhiệm ông Phạm Anh Tuấn (Kyle Phạm, GĐ tài chính) vào chức vụ GĐ điều hành, quyết định có hiệu lực tức thì. Cũng theo thông báo, ông Kyle tiếp quản công ty thay thế cho ông Trần Đức Thắng (Tom Trần, người sáng lập công ty), hiện là đối tượng bị điều tra của cảnh sát kinh tế Việt Nam và đã xuất cảnh vào tuần trước.

Cũng vì thế, trong thời gian chuyển giao đội ngũ, ban điều hành quản lý mới đã quyết định tạm thời ngưng hoạt động của website Nhommua.com nhằm loại bỏ những rủi ro không đáng có, có thể gây ảnh hưởng tới hệ thống cơ sở dữ liệu của Nhóm Mua, cũng như hệ thống cơ sở dữ liệu về khách hàng và đối tác. Đại diện Nhóm Mua cũng khẳng định, đã liên hệ với các đối tác để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Trong trường hợp khách hàng bị từ chối, công ty có thể hoàn tiền hoặc gia hạn thêm thời gian.

Từ thương vụ nhommua.com tê liệt: Người tiêu dùng bị bỏ rơi 1

Website của nhommua.com

Nhưng, dù đã có lời cam kết chắc nịch từ Nhóm mua, trên thực tế việc không thể truy cập website vẫn khiến khách hàng và đối tác của công ty hoang mang. Nhiều khách hàng đã gặp tình trạng bị từ chối thanh toán phiếu. Đặc biệt, khi trên trang mạng xã hội Facebook xuất hiện một tài khoản mang tên The FactAboutNhommua (Sự thật về Nhóm mua) được cho là của ông Tom Trần, cho biết, có những dấu hiệu bất bình thường trong sự việc này, vì ông Tom Trần xuất ngoại để đi du lịch với gia đình, chứ không hề có một cuộc chạy trốn nào. Song, đến ngày 22-11, trang mạng này đã không thể truy cập.

Ai sẽ bảo vệ NTD?

Những cảnh báo về việc rủi ro khi mua bán qua mạng đã được nhắc đến từ lâu. Nhưng nhờ ưu điểm giá thành rẻ, mua sắm tiện lợi đã khiến hàng triệu NTD trở thành tín đồ quen thuộc của phương thức mua sắm này. Đây cũng là xu thế tiêu dùng tất yếu trong tương lai. Tuy nhiên, sau khi Nhóm Mua xảy ra sự cố, nhiều NTD mới thấy bối rối do không biết đi đâu để tìm quyền lợi. Theo lý giải của các đối tác, việc không chấp nhận phiếu mua hàng là hành động tự vệ do lo ngại sẽ không được thanh toán nếu công ty đối tác gặp khó khăn về tài chính.

Ông Cát Văn Khôi, Phó Chánh Văn phòng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Vecom trấn an rằng, sự kiện Nhóm Mua không gây ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi NTD, bởi thực chất đây là những vấn đề liên quan đến mâu thuẫn nội bộ giữa nhà đầu tư và người sáng lập Nhóm Mua. Nhưng, vấn đề đặt ra từ sự kiện này cho thấy những lỗ hổng trong TMĐT ở nước ta hiện nay. Nếu có những sự cố tương tự xảy ra, lúc này NTD biết kêu ai?

Được biết, hiện Bộ Công Thương đang chủ trì soạn thảo một nghị định về TMĐT thay thế cho Nghị định 57/2006/NĐ-CP ban hành năm 2006, với kỳ vọng sẽ thắt chặt hơn với TMĐT, giúp lĩnh vực này phát triển bền vững.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại