Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ quốc gia, ước tính, nếu tín dụng từ nay đến cuối năm mỗi tháng tăng 1,5% (tương đương 6 tháng là 9%) thì tăng trưởng GDP của cả năm 2012 từ 5,3-5,4%. Với mức này, lạm phát 5 tháng sau đó từ 0,5-1% mỗi tháng.
Ông cảnh báo nếu cố đẩy mạnh tín dụng hơn để 6 tháng tăng trưởng 12%, GDP cả năm 2012 có thể đạt 5,5-5,6%.
Tuy nhiên, ông cho rằng, nguy cơ lạm phát sẽ bùng nổ vào 5 tháng sau đó nếu tín dụng được đẩy ra mạnh như vậy.
Tín dụng thường rơi vào tình trạng đầu năm tắc, cuối
năm dồn toa. Đáng lẽ ra, theo quan điểm của ông Nghĩa, đầu năm khi ngân
sách chưa đẩy ra kịp thì phải đẩy tín dụng mạnh (không nhất thiết là sản
xuất, có thể là cho vay tiêu dùng bởi cầu trong thời điểm này mạnh).
Cách làm này theo ông có thể san sẻ bớt căng thẳng cho tín dụng vào cuối năm.
Ông phân tích, tăng trưởng tín dụng có thể là 17%
nhưng nếu dàn đều cho 12 tháng thì lạm phát sẽ rất thấp. Ngược lại, nếu
tăng trưởng tín dụng chỉ là 12% nhưng lại dàn trong 6 tháng, thậm chí 4
tháng cuối năm thì vô cùng nguy hiểm.
“Ngay lập tức tạo ra một cú sốc về cầu, nền kinh tế không hấp thụ hết, lượng tiền mặt dư thừa. Nền kinh tế khả năng đang ở mức chúng ta cứ bón vào thì nó lại ọe ra”, ông Nghĩa đùa một cách ví von.
Đáp lại băn khoăn này, Thống đốc Bình khẳng định tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm nay chỉ phấn đấu khoảng 8-10%, chứ không thể đẩy cao như chỉ tiêu đề ra.
"Mức tăng trưởng đó là phù hợp và không gây áp lực lạm phát. Đạt được như vậy là đáng khích lệ rồi", Thống đốc nhấn mạnh.