Tranh chấp leo thang ở Trung tâm thương mại Chợ Mơ

Diễn biến tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư tại TTTM Chợ Mơ đang ngày càng leo thang nhưng hiện cả hai bên đều chưa đề nghị UBND TP.Hà Nội vào cuộc.

Có tổng mức đầu tư 1.500 tỉ đồng, Trung tâm thương mại (TTTM) Chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang xảy ra tranh chấp lớn do khách hàng và chủ đầu tư không tìm được tiếng nói chung.

Ngày 9.12, Cty TNHH Đầu tư tư nhân Vina (VPCapital) đã tổ chức họp báo công bố nhiều tài liệu tố chủ đầu tư TTTM Chợ Mơ là CTCP Phát triển thương mại Vinaconex (VCTD) phạm luật, gây thiệt hại lớn cho VPCapital.

Theo thông tin phía VPCapital, đơn vị này đã nhận chuyển nhượng diện tích mặt sàn khu TTTM Chợ Mơ từ tầng 1 đến tầng 5 và tầng 5A theo hợp đồng số 33 từ VCTD. Tổng diện tích nhận chuyển nhượng tạm tính là 21.122m2 và VPCapital đã chuyển cho phía VCTD tổng số tiền hơn 419,5 tỉ đồng, tương đương 70% giá trị hợp đồng được hai bên ký kết.

Tuy nhiên, hiện dự án đang xảy ra tranh chấp. Tại cuộc họp báo, phía VPCapital cho rằng, phía VCTD bàn giao TTTM muộn so với tiến độ và có một số điều khoản chưa đúng theo hợp đồng nên họ chưa thể nhận bàn giao.

Các lỗi được VPCapital chỉ ra là còn sai sót trong thi công, chưa đủ điều kiện vận hành, thang máy không được lắp đặt xuống tới tầng hầm... VPCapital cho biết, các sai sót này khiến khách hàng đầu tư của họ chịu nhiều chi phí phát sinh. Đáng chú ý, tại cuộc họp báo không có sự tham gia của chủ đầu tư VCTD.

 

Trao đổi về vấn đề này với phía VCTD, lãnh đạo Cty này phản bác toàn bộ cáo buộc nói trên của VPCapital. Theo ông Vũ Nguyên Vũ – TGĐ VCTD, dự án không bị chậm tiến độ, bởi ngày bàn giao 1.10.2012 như thỏa thuận ban đầu chỉ là dự kiến. Sau đó, phía VCTD đã gia hạn lần cuối và thông báo cho PV Capital thời gian bàn giao vào ngày 30.6. "Từ ngày 30.6, VCTD đã bàn giao cho Cty TNHH Đầu tư tư nhân Vina và phía VPCapital đã cho niêm phong các hạng mục đã nhận" - ông Vũ nói.

Về việc công trình không có thang máy xuống tầng hầm, lãnh đạo này cho biết, theo thiết kế cơ sở được Bộ Xây dựng thẩm định ngày 17.3.2009, thang máy chỉ được lắp đặt qua 5 điểm dừng từ tầng 1 đến tầng 5.

"Tầng hầm là khu chợ truyền thống, do đó, theo thiết kế chúng tôi không lắp đặt thang máy. Không thể nói chất lượng công trình không được đảm bảo, bởi tất cả đều theo quy định và đã được cơ quan chức năng cho phép" - ông Vũ cho biết thêm. Cũng theo ông Vũ, sau vụ việc này, VCTD sẽ ngồi đàm phán với PVCapital để hai bên tìm được tiếng nói chung.

Cho đến thời điểm này, cả bên bán và bên mua đều đã thuê các luật sư đại diện để giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến nội dung được ký kết tại hợp đồng giữa hai bên. Một điểm nổi cộm là khách hàng của VPCapital là Cty TNHH Đầu tư TTTM Vina - nhà đầu tư thứ phát của dự án này đã có công văn viện dẫn hàng loạt lý do và đề nghị VinaCapital giảm số tiền 4 triệu USD và hỗ trợ lãi suất khoản tiền mà đơn vị này chậm thanh toán cho VinaCapital đối với khoảng thời gian giao chậm TTTM.

Như vậy, bản chất của vấn đề là sau khi nhận chuyển nhượng của chủ đầu tư VCTD, VinaCapital cũng đã chuyển nhượng lại dự án cho Cty TNHH Đầu tư TTTM Vina và theo ông Vũ, chính do thị trường BĐS khó khăn, trong khi phía VPCapital nhận chuyển nhượng giá cao nên muốn gây sức ép để giảm giá.

Được biết, diễn biến tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư tại TTTM Chợ Mơ đang ngày càng leo thang nhưng hiện cả hai bên đều chưa đề nghị UBND TP.Hà Nội vào cuộc vì muốn tự mình giải quyết.

Tuy nhiên, về phía VCTD, ông Đoàn Châu Phong - Chủ tịch HĐQT – cho biết, mặc dù việc tranh chấp đang ảnh hưởng lớn đến quá trình hoàn thiện, bàn giao dự án, nhưng Cty quyết tâm từ nay đến trước Tết Nguyên đán sẽ phối hợp với chính quyền quận Hai Bà Trưng đưa các hộ dân kinh doanh về hoạt động chợ truyền thống tại tầng hầm, còn hoạt động thương mại tại tầng 1-5 phải phụ thuộc vào việc giải quyết tranh chấp với VPCapital.

Có thể thấy, nếu ở giai đoạn hoàng kim, cứ mua là thắng thì việc mua được dự án coi như thành công của các nhà đầu tư, thì khi thị trường BĐS khó khăn, mất thanh khoản, đánh giá khoản đầu tư bỏ ra không “”đáng đồng tiền bát gạo”, rất nhiều trường hợp khách hàng quay lại ép chủ đầu tư giảm giá, hoặc liên tục xảy ra kiện tụng, “tố” lẫn nhau. Đây cũng là bài học và hệ lụy của việc thị trường BĐS phát triển nóng giai đoạn vừa qua mà ở đó vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý quá mờ nhạt.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại