Quyết định gồm 14 điều, quy định rõ việc thiết kế, in, đúc, bảo quản, vận chuyển, giao nhận, cấp, bán tiền mẫu, tiền lưu niệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được cấp tiền mẫu cho các đối tượng: các đơn vị chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước; tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước; Các đơn vị thuộc các bộ, ngành có liên quan trong công tác đấu tranh chống tiền giả.
Tiền mẫu rách nát, hư hỏng trong quá trình sử dụng của các đối tượng trên được Ngân hàng Nhà nước xem xét, thu đổi. Việc thu đổi được thực hiện cùng mệnh giá, cùng chủng loại và không thu phí. Các đơn vị được cấp tiền mẫu nếu làm mất, ngoài việc các tổ chức phải chịu trách nhiệm bồi thường vật chất, các cá nhân được giao nhiệm vụ bảo quản tiền mẫu còn phải chịu các hình thức xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính theo quy định.
Ngân hàng Nhà nước được tổ chức hoặc hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để thiết kế, đúc tiền lưu niệm. Đối tác của Ngân hàng Nhà nước phải là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực in, đúc tiền; kinh doanh, chế tác kim khí quý; kinh doanh tiền lưu niệm hay các ngành hàng lưu niệm.
Đối với chủ đề liên quan đến sự kiện lịch sử, chính trị, sự kiện trọng đại của quốc gia, Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thiết kế mẫu về chủ đề, kích thước, trọng lượng, hình vẽ, hoa văn và các đặc điểm khác của các loại tiền lưu niệm, đối tác thiết kế, in, đúc tiền lưu niệm.
Việc bảo quản, giao nhận, vận chuyển tiền mẫu và tiền lưu niệm được thực hiện theo các quy định của pháp luật như đối với bảo quản, giao nhận, vận chuyển tiền. Các khoản thu, chi trong công tác quản lý tiền mẫu, tiền lưu niệm được hạch toán vào thu, chi nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/12/2012. Những quy định trước đây trái với quyết định này đều bị bãi bỏ.