Nhiều dự án dở dang đang thiếu vốn, vẫn khởi công dự án mới dù chưa đủ thủ tục đầu tư, “bệnh” dàn trải thêm một lần được chỉ ra tại bản báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình đầu tư phát triển.
Năm 2013, theo chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 30% GDP. Kết quả thực hiện quý 1 đạt 195,3 nghìn tỷ đồng, bằng 19,4% kế hoạch và bằng 28,6% GDP.
Nhìn nhận đây là kết quả chưa cao, song Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh vẫn lạc quan, rằng với động thái của các nhà đầu tư nước ngoài trong quý 1, dự kiến từ nay đến cuối năm luồng đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng cao.
Với lãi suất cho vay đã giảm khá mạnh trong 2013, Bộ này cho rằng đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân sẽ được cải thiện khá hơn so với năm 2012.
Một điều khá “lạ” tại bản báo cáo, là cho dù kỳ luật tài chính năm nào cũng được cả Quốc hội và Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm, song phần bố trí vốn sai quy định vẫn được ghi nhận ở mục “các kết quả đạt được”.
Cụ thể, báo cáo viết “số vốn trong nước nguồn ngân sách nhà nước bố trí không đúng quy định chỉ chiếm khoảng 4,4% tổng vốn rà soát”. Đi tìm con số cụ thể thì 4,4% này là 2.146,1 tỷ đồng. Trong đó, các bộ ngành Trung ương đã bố trí vốn ngân sách Trung ương kế hoạch năm 2013 chưa đúng quy định là 1.620 tỷ đồng. Cũng vốn này, các địa phương bố trí chưa đúng quy định của 159 dự án.
Vẫn ở phần “kết quả”, báo cáo cho hay số vốn trái phiếu Chính phủ bố trí không đúng quy định chiếm 0,3% tổng số vốn kế hoạch năm 2013.
Sang phần đánh giá các tồn tại hạn chế, theo báo cáo, một số ít, bộ ngành và địa phương chưa chấp hành nghiêm các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn dẫn đến phải trao đổi thảo luận nhiều lần ảnh hưởng đến tiến độ tổng hợp kế hoạch.
Bên cạnh đó, các dự án mới vẫn được đề xuất khởi công trong khi chưa cân đối đủ nguồn vốn cho các dự án chuyển tiếp. Đặc biệt là các địa phương nhu cầu vốn cho các dự án chuyển tiếp là rất lớn nhưng vẫn bố trí khởi công 572 dự án, trong đó chỉ có 43 dự án hoàn thành trong năm.
Con số so sánh được đưa ra là năm 2012 khởi công mới 596 dự án thì có tới 203 dự án hoàn thành trong năm. Như vậy, nguyên tắc bố trí vốn theo hướng ưu tiên cho các dự án có khả năng hoàn thành trong năm đang dường như đang bị nới lỏng.
Đáng lo hơn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn phát hiện một số dự án khởi công mới chưa đủ thủ tục đầu tư, mức vốn bố trí không phù hợp. Việc bố trí đủ vốn kế hoạch năm 2013 để hoàn trả các khoản ứng trước cũng chưa được chấp hành nghiêm. Thậm chí có dự án ứng trước kế hoạch 2013, nhưng không được các bộ ngành và địa phương bố trí vốn năm nay nên không có nguồn để hoàn ứng.
Có thể khác về mức độ trầm trọng, song dàn trải, lãng phí là căn bệnh đã được Ủy ban Tài chính - Ngân sách (cơ quan thẩm tra các vấn đề liên quan đến tài chính, ngân sách) chỉ ra nhiều lần.
Năm 2011, khi cắt giảm đầu tư công là một trong các giải pháp được chú trọng để ổn định kinh tế vĩ mô, trước thực trạng vẫn nhiều dự án mới khởi công sai đối tượng, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã đề nghị Chính phủ, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, địa phương để xử lý nghiêm minh trách nhiệm cá nhân.
Tuy nhiên, những bản báo cáo từ đó đến nay của Chính phủ được gửi đến cơ quan thẩm tra của Quốc hội và Quốc hội dường như vẫn thiếu vắng thông tin hồi đáp yêu cầu này. Và có lẽ đây cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình cảnh: cho dù vốn ngân sách ngày càng hạn hẹp thì không ít dự án mới vẫn được khởi công không đúng quy định.