Tập trung giải quyết hàng tồn kho và nợ xấu

thanhthao |

Đây là ý kiến của Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trong phiên họp sáng 16/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tăng trưởng khoảng 5% - 5,2%

Báo cáo của thẩm tra đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2012, nhiệm vụ năm 2013 của Ủy ban Kinh tế nhận định: tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy quý sau tăng cao hơn quý trước, nhưng ước cả năm chỉ đạt khoảng 5% - 5,2%, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm ước tăng khoảng 8% nằm trong giới hạn chỉ tiêu theo Nghị quyết Quốc hội.

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước cả năm ước đạt 741,5 nghìn tỷ đồng, bằng 100,1% dự toán, bội chi ngân sách bằng 4,8% GDP đạt chỉ tiêu của Quốc hội.

Tổng kim ngạch nhập khẩu cả năm ước đạt 114 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2011. Ước cả năm chỉ nhập siêu khoảng 1% so với kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều Nghị quyết của Quốc hội.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực gặp rất nhiều khó khăn, triển vọng đạt và vượt kế hoạch 10/15 chỉ tiêu KT -XH theo Nghị quyết Quốc hội, hầu hết các thành viên Ủy ban Kinh tế đánh giá đây là nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân”, ông Giàu nói.

Theo ông Giàu, “5 chỉ tiêu không đạt đều là những chỉ tiêu quan trọng, phản ánh tính bền vững của nền kinh tế trong trung và dài hạn”, gồm: tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, tạo việc làm, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ che phủ rừng.

Báo cáo của Chính phủ chưa sát tình hình

 Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, tâm lý xã hội và niềm tin của thị trường vẫn đang diễn biến, nếu giải quyết chậm thì khó khăn sẽ kéo dài và phức tạp hơn trong năm tới.

“Một số ý kiến nêu, Báo cáo của Chính phủ đánh giá chưa sát với tình hình, số liệu báo cáo còn có độ vênh so với thực tế, chưa phản ánh hết mức độ khó khăn của đời sống xã hội và nền kinh tế, đặc biệt là khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa; chưa nêu bật được những nguyên nhân chủ quan từ điều hành vĩ mô”, ông Giàu cho biết.

tap-trung-giai-quyet-hang-ton-kho-va-no-xau
Ảnh minh họa

 Một số ý kiến đề nghị cần phân tích rõ động lực của tăng trưởng, lý giải về việc nền kinh tế đang có dấu hiệu tích cực lên, nhất là tăng trưởng GDP quý sau tăng cao hơn quý trước trong bối cảnh các thị trường đều giảm sút, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả năm dự kiến bằng 29,5% GDP, thấp hơn 4% so với chỉ tiêu; tín dụng tăng trưởng âm một thời gian dài; hàng tồn kho cao, số lượng doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động  hoặc cắt giảm lao động lớn; thị trường bất động; sản, chứng khoán trầm lắng…

Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, cơ chế quản lý thị trường vàng, nhất là về hoạt động quản lý và kinh doanh vàng miếng, chưa mang lại hiệu quả và chưa đạt được mục tiêu đưa giá vàng trong nước sát với giá thế giới.  

 Chỉ thành lập một công ty duy nhất để xử lý nợ xấu

 Ủy ban Kinh tế thống nhất đề nghị, từ nay tới cuối năm, Chính phủ cần tập trung khẩn trương giải quyết cơ bản các nút thắt của nền kinh tế là: hàng tồn kho và nợ xấu.

 Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, tồn kho càng lớn thì nợ xấu càng tăng lên . Do vậy, giảm hàng tồn kho vừa là giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ sản xuất, vừa là giải pháp giảm nợ xấu một cách hữu hiệu, khắc phục nhanh tình hình khó khăn hiện nay. 

 Ông Giàu cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần xác định chính xác, minh bạch quy mô nợ xấu, các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu; xử lý nợ xấu trên nguyên tắc ngân hàng thương mại phải tự chịu trách nhiệm, tự chủ động giải quyết.  

 Trên cơ sở có số liệu chính xác về quy mô, cơ cấu nợ xấu thì mới cân nhắc, quyết định mô hình tổ chức xử lý nợ xấu, không nên phân tán sức mạnh, nguồn lực quốc gia, đề nghị chỉ thành lập, sử dụng một công ty duy nhất để xử lý vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

 Ủy ban Kinh tế cũng yêu cầu Chính phủ sớm có những giải pháp hữu hiệu đảm bảo liên thông giá vàng trong nước và quốc tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại