Sau Tết, nhiều mặt hàng tăng giá "điên loạn"

hoanghuyen |

Trong đó có 2 mặt hàng tiêu biểu nhất là giá gas và sữa.

Giá gas "điên cuồng" tăng 2 lần/tháng

Ông Nguyễn Sỹ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội cho hay: tháng 2/2012, giá gas trên thế giới đã tăng thêm 145 USD/tấn, đẩy giá nhiên liệu đốt này lên mức cao nhất từ trước đến nay là 1.025 USD/tấn.

Điều này đã khiến các nhà cung cấp gas trong nước buộc phải điều chỉnh giá bán lẻ tới 42.000 đồng/bình 12kg. Theo đó, chỉ trong vòng 2 tháng, giá gas đã tăng tới 74.000 đồng/bình 12kg.

Cty Đại Việt Vinagas cùng một số hãng như Gia Đình gas và MT Gas cũng thông báo tăng 42.000 đồng với mức giá bán lẻ tới tay NTD 425.000- 430.000 đồng/bình 12kg, tùy theo nhãn hiệu và khu vực; giá gas Ngọn lửa thần đã lên tới 440 nghìn/ bình 12 kg; Shell gas có giá 450 nghìn đồng/bình 12 kg.

Tuy nhiên, cũng có một số hãng gas như Hồng Hà gas, Vinape gas, Thăng Long gas, Cty gas Lửa Xanh ở Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, sẽ chỉ tăng ở mức 405.000 đồng/bình 12 kg để “giữ khách”.

Giá gas tăng bát nháo nhưng người tiêu dùng cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” bởi không có nhiều sự lựa chọn.

Vinamilk tăng giá sữa vào mùng 1 Tết

5 - 7% là mức tăng sẽ được Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) áp dụng đối với giá một số sản phẩm sữa, từ ngày 23/1 (tức mùng 1 Tết).Nguyên nhân của đợt điều chỉnh giá lần này theo đại diện Vinamilk là do giá nguyên liệu sữa hiện đã tăng hơn 20%, còn các nguyên vật liệu đầu vào khác cũng tăng từ 40 - 60%.

Việc chọn thời điểm tăng giá vào mùng 1 Tết có phải để "tránh" sự chú ý của thị trường?

Thêm vào đó, chi phí đầu vào cho sản xuất như điện, nước, phí vận chuyển, xăng dầu… hiện cũng đã tăng từ 10 - 15% so với cùng kỳ nên Vinamilk buộc phải điều chỉnh tăng giá bán để bù đắp một phần chi phí sản xuất, nhằm nâng cao sức cạnh tranh trong năm 2012.

Mới đây nhất, vào đầu tháng 12/2011, một số nhãn sữa bột nhập ngoại như Abbott, Enfa… cũng đã vào đợt tăng giá mới, với mức điều chỉnh từ 9 - 19%.

Trong năm 2011, Vinamilk là đơn vị điều chỉnh giá đầu tiên, với việc tăng giá sữa bột các loại lên trung bình 12% kể từ ngày 1/1/2011.

Tiếp đến, Mead Johnson là công ty thứ hai điều chỉnh giá bán các sản phẩm sữa Enfagrow, Enfakid với mức tăng khoảng 7 - 8%.

Người tiêu dùng choáng váng khi đi chợ

Sự bình ổn về giá hàng hóa, dịch vụ trên thị trường Hà Nội thời điểm trước Tết Nguyên đán không kéo dài được lâu. Ngay sau Tết, giá thực phẩm tại các chợ lại "nhảy múa", khiến các bà nội trợ "méo mặt".

Các dịch vụ "ăn theo" như trông giữ, rửa xe, hàng ăn uống... cũng được dịp tăng giá vô tội vạ. Trong khi thu nhập và sức mua của người dân có xu hướng giảm xuống, việc tăng giá thực phẩm, dịch vụ theo kiểu "đến hẹn lại lên" đã gây áp lực không nhỏ đến người tiêu dùng...

Cá là một trong những thực phẩm giá tăng cao.

Nếu trước Tết, một mớ rau muống chỉ có giá từ 8 - 10.000 đồng, thì nay người bán "hét" tới 35.000 đồng hoặc 60.000 đồng/kg rau. Một mớ rau cần 20.000 đồng, tăng 10.000 đồng; một mớ cải cúc 10.000 đồng, tăng 6.000 đồng; củ su hào 10.000 đồng, tăng gấp đôi so với ngày thường... Đậu phụ, một món ăn dân dã cũng tăng vọt từ 2.000 đồng lên 5.000 đồng/bìa.

H. Huyền

(tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại