Sáp nhập VinaPhone - MobiFone: Không thể?

thanhthao |

Việc tách hay nhập vẫn đang được Bộ TT-TT xem xét nhằm đảm bảo được sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Vấn đề "nên hay không thực hiện sáp nhập đối với hai mạng VinaPhone và MobiFone của VNPT" đã làm nóng tọa đàm giữa đại diện các cơ quan nhà nước, nhà mạng cũng như chuyên gia diễn ra chiều 12/9 tại Hà Nội.

Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, "có lẽ phải khẳng định ngay rằng, trường hợp này là không thể". Theo đó, vị chuyên gia này dẫn ra 2 lý do:

Thứ nhất, phải xem xét lại Luật Cạnh tranh - liệu luật có cho phép hay không. Thứ hai, trong bối cảnh nhà nước đang thực hiện tái cấu trúc lại doanh nghiệp nhà nước thì việc đặt vấn đề cho sáp nhập hai doanh nghiệp này là tín hiệu không tốt trong tiến trình cải cách hiện nay.

Đứng từ góc độ pháp luật cạnh tranh, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, trường hợp này phức tạp và cần xem xét đến thị phần nắm giữ của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo lời vị này thì hiện tại, MobiFone và Vinaphone đang chiếm giữ bao nhiêu thị phần, Cục Quản lý cạnh tranh không nắm được.

Theo lý giải của đại diện Bộ Công thương, Luật Cạnh tranh xác định thị phần trên tiêu chí doanh thu chứ không phải dựa trên số lượng thuê bao mà các dữ liệu này chưa được thu thập đầy đủ.

sap-nhap-vinaphone-mobifone-khong-the

Song nhìn chung, dựa trên tiêu chí doanh thu, luật cấm sáp nhập nếu thị phần kết hợp chiếm trên 50% tổng doanh thu toàn ngành.

Về phía Bộ TT&TT, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, hiện tại, VNPT đã có đề xuất lên Bộ TT&TT báo cáo các Bộ, ngành liên quan đề nghị cho sáp nhập. Bộ đang tổ chức nghiên cứu việc tách hay nhập, hiện chưa có quyết định cuối cùng.

Theo ông Hải, cả ai phương án nhập hay tách đều có ưu/nhược, đều có những vấn đề riêng nếu xét lại bức tranh kinh doanh hiện nay của VNPT. Do vậy, song song với việc tách/nhập cần có chính sách đi kèm để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.

Ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty luật TNHH Quốc tế Ban Mai Việt Nam cho rằng, nền kinh tế tập trung quyền lực vào 1-2 nhà mạng lớn, để các nhà mạng nhỏ chết dần là vô cùng nguy hiểm.

Hiện tại, theo ông Hùng, thị trường Việt Nam có 3 nhà mạng là đáng kể đến là Viettel, VinaPhone - MobiFone (VNPT) và Vietnam Mobile. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các nhà mạng này sẽ là rất lớn và khó lấp đầy nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ các nhà mạng nhỏ như Vietnamobile.

TS Võ Trí Thành nhận xét, vấn đề đối với thị trường Việt Nam hiện tại đó là đang bị chi phối bởi 3 nhà mạng lớn đều của Nhà nước. Như vậy, liệu có cạnh tranh khi có 3-4 công ty trên thị trường nhưng các công ty này đều thuộc Nhà nước hay không?

Vị chuyên gia đánh giá, cấu trúc thị trường rõ ràng là đang có vấn đề. Ngoài ra, ông Thành còn nhấn mạnh: Mặc dù từ năm 2010 đã thông qua Luật Bảo vệ người tiêu dùng nhưng đến nay việc thực hiện Luật này và Luật Cạnh tranh vẫn còn yếu. Mọi kịch bản chính sách đều phải hướng đến bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại