Ôtô “đấu’’ chính sách

Theo NCĐT |

Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) vừa công bố thông tin khá u ám về kế hoạch giảm gần 70% lợi nhuận so với chỉ tiêu đầu năm.

Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) vừa công bố thông tin khá u ám về kế hoạch giảm gần 70% lợi nhuận so với chỉ tiêu đầu năm. Sau kết quả kinh doanh hoành tráng của năm 2011 đã đưa doanh nghiệp này lần đầu tiên vượt đại gia Toyota để lên ngôi quán quân về thị phần tiêu thụ xe cả nước, hiện Trường Hải đang vất vả vượt qua khó khăn chung của ngành và chuẩn bị cho năm 2013 với muôn vàn thách thức.

Tả tơi 2012

Quả không ngoa khi dùng những từ ngữ này để mô tả tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ôtô tại Việt Nam trong năm nay.

Tháng 6.2012, trong chuyên đề “Trần Bá Dương với cứ điểm Chu Lai” do NCĐT thực hiện, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Thaco, đã chia sẻ kế hoạch giảm 2% sản lượng xe tiêu thụ trong năm nay so với 2011, lần giảm đầu tiên trong lịch sử hoạt động của mình.

Mức giảm 2% này còn khá lạc quan so với dự báo sụt giảm tới 20% của toàn thị trường trong năm nay”, ông Dương nói. Sự lao dốc của ngành ôtô nay đã thành hiện thực và Thaco là doanh nghiệp nội địa đầu ngành bị thấm đòn khá nặng.

Mới đây, Ban lãnh đạo Thaco phải lấy ý kiến cổ đông về việc giảm một loạt chỉ tiêu kinh doanh của năm nay. Theo công bố của Thaco, tổng sản lượng bán ra trong 11 tháng chỉ đạt 71% kế hoạch năm.

Nhưng lợi nhuận sau thuế mới là điều đáng nói, chỉ đạt 29,6% kế hoạch năm, tức hiệu quả kinh doanh rất thấp hay tình trạng chi phí ăn dần vào doanh thu và lợi nhuận đã đến mức báo động.

Theo giải thích của Công ty, kết quả này là do tình hình kinh tế khó khăn, cộng thêm phí trước bạ tăng từ 15% lên 20% và các dự thảo về việc hạn chế ôtô cá nhân đã khiến sức tiêu thụ giảm mạnh.

Vì vậy, Hội đồng Quản trị đã đồng ý giảm 21,1% sản lượng xe trong năm 2012 so với kế hoạch, nghĩa là còn cao hơn cả mức giảm dự kiến 20% của toàn thị trường. Tuy nhiên, thống kê tổng sản lượng tiêu thụ tính đến hết tháng 11.2012 của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy, tình hình thậm chí còn bi đát hơn với tỉ lệ sụt giảm lên tới 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn sang các doanh nghiệp lắp ráp ôtô nước ngoài, vẫn là sự bi quan bao trùm.

Trong chuyến thị sát Việt Nam hồi cuối tháng 10, Phó Chủ tịch Tập đoàn Ford Motors kiêm Chủ tịch Ford châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi, ông Joe Hinrichs đã phải thốt lên rằng: “Trong khi ngành công nghiệp ôtô Thái Lan và Indonesia đang tăng trưởng với tốc độ tên lửa thì công nghiệp ôtô Việt Nam lại rơi cũng với tốc độ tên lửa”.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi “năm nay sản lượng tiêu thụ của Ford Việt Nam dự kiến sẽ giảm gần 40% so với năm ngoái”, như tiết lộ của Tổng Giám đốc Ford Việt Nam Laurent Charpentier.

 

Lại chuyện chính sách

Trước hiện trạng ảm đạm của ngành và quan trọng hơn là thời hạn mở cửa hoàn toàn thị trường ôtô Việt Nam vào năm 2018 đang đến gần, Bộ Công Thương đang gấp rút hoàn tất dự thảo đề án mới về chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô từ nay đến năm 2020, chuẩn bị trình Chính phủ phê duyệt.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, đề án sẽ nhắm tới việc tạo sự ổn định, nhất quán và rõ ràng về chính sách cho ngành, đặc biệt là chính sách thuế. Cụ thể là xây dựng một lộ trình giảm thuế ổn định theo các cam kết quốc tế, có tính dự báo đến năm 2018 để các doanh nghiệp có thể định hướng đầu tư lâu dài.

Tuy nhiên, những người trong ngành hoài nghi rằng, có thể bổn cũ sẽ soạn lại vì hồi năm 2004, Chính phủ từng phê duyệt đề án với nội dung tương tự của Bộ Công Thương với mục tiêu cốt lõi là phải có sản phẩm ôtô “made in Vietnam” thật sự vào năm 2020. Sau hơn 8 năm, chiến lược này vẫn chưa đi đến đâu, còn ngành ôtô “lại rơi với tốc độ tên lửa”.

Nguyên nhân của tình trạng này vẫn được xác nhận là do chính sách lủng củng, chồng chéo, thiếu đồng bộ trong thời gian dài. “Hiện ma trận thuế gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế trước bạ... đã chiếm hơn 60% giá trị của phương tiện, quá cao so với thế giới”, ông Horst Herdtle, Tổng Giám đốc BMW Euro Auto, nói.

Đến lúc này, những người trong cuộc không thể an tâm ngóng chờ một chính sách mang tính đột phá trong thời gian tới. Họ đã đề ra chiến lược tự cứu mình, với kế sách chung là “lấy tấn công làm phòng thủ”.

Trường Hải một mặt cắt giảm chỉ tiêu sản lượng, doanh thu lẫn lợi nhuận, một mặt đưa ra phương án phát hành thêm 75 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ lên mức 3.250 tỉ đồng trong năm mới nhằm có thêm lực đối phó với khủng hoảng.

Mua bán sáp nhập cũng là chiến lược “đinh” của Thaco trong năm 2013, sau thương vụ mua lại 100% vốn Công ty Ôtô Carven và 51% cổ phần trong công ty xe chuyên dụng Soosung của Hàn Quốc trong năm nay.

“Mục tiêu của chúng tôi trong năm mới là phải tăng trưởng doanh số 10% so với 2012”, ông Herdtle BMW Euro Auto nói.

Có lẽ các ông chủ doanh nghiệp ôtô đều kỳ vọng vào một năm 2013 mà nỗ lực của họ sẽ “thắng” được chính sách.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại