Sau khi bị bãi nhiệm, vị trí Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN của ông Hưng được tạm chuyển giao cho Tổng Giám đốc Phạm Lê Thanh.Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2012 được tổ chức chiều nay (4/2), Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có trao đổi với báo giới một số vấn đề xung quanh việc Thủ tướng Chính phủ ký quyết định miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đối với ông Đào Văn Hưng mới đây.
Bộ trưởng Đam bình luận: “Quyết định một cán bộ thôi đảm nhiệm chức vụ này để nhận nhiệm vụ khác là một việc rất bình thường của Đảng và Nhà nước”.
Cụ thể hơn về nguyên nhân của trường hợp ông Hưng, Bộ trưởng Đam cho biết, trong quá trình điều hành Tập đoàn, EVN đã xảy ra một số vấn đề và vấp phải những vụ việc khiến dư luận không đồng tình.
Người phát ngôn của Chính phủ đơn cử ví dụ về kết quả kinh doanh không tốt của lĩnh vực viễn thông, điện lực thì đương nhiên những lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn mà đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng thành viên phải làm rõ trách nhiệm.
Ngoài ra, trách nhiệm cụ thể của các cá nhân có liên quan thì Ủy ban cán sự Đảng và Bộ Công thương sẽ chỉ đạo thực hiện theo đúng các quy định của Đảng và quy định hành chính của Chính phủ.
Việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Thành viên đối với ông Đào Văn Hưng được đưa ra theo đề nghị của Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ hồi giữa tháng 1/2012.
Ông Hưng được bổ nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị EVN kể từ tháng 10/2007. Sau khi tập đoàn này chuyển đổi mô hình sang Công ty TNHH Một thành viên, ông Hưng tiếp tục được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên của EVN.
Hiện, ông Phạm Lê Thanh, Tổng Giám đốc EVN tạm thời sẽ giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN thay thế ông Hưng.
Kết thúc kiểm toán báo cáo tài chính năm 2010 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Kiểm toán Nhà nước xác định lỗ trong sản xuất kinh doanh của EVN lên đến trên 8.400 tỉ đồng. Cộng với khoản lỗ do chênh lệch tỉ giá hơn 17.000 tỷ đồng, tính đến hết năm 2010, EVN lỗ trên 25.000 tỷ đồng.Tính đến thời điểm 31/12/2011, nợ phải trả của EVN lên đến gần 240.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả cao gấp 4,22 lần vốn chủ sở hữu, vượt quá mức giới hạn theo quy định của Chính phủ là không quá 3 lần.
Theo Dân Trí