"Nung chảy" 60 tấn vàng thành tiền đồng

thanhthao |

Khoảng 60 tấn vàng trong dân đã được bán ra, được xem là một phần kết quả từ hướng đi của Ngân hàng Nhà nước...

“Nung chảy” vàng thành VND là một cách nói hình ảnh về hướng đi có thể Ngân hàng Nhà nước lựa chọn và thực tế đang thể hiện. Cách thức bước đầu cũng có thể định hình một số điểm cơ bản, để tạo khả năng kích thích người dân chuyển đổi vàng sang VND, đưa VND đó vào ngân hàng hoặc vào sản xuất kinh doanh, thay vì găm giữ vàng như thời gian qua.

Trước hết, yêu cầu đầu tiên để kích thích chuyển đổi là phải kiềm chế được lạm phát, qua đó tạo và giữ được vị thế hấp dẫn của VND.

Thứ hai, làm sao để giảm bớt sự hấp dẫn của vàng đối với dân cư, qua đó kích thích thêm hướng chuyển đổi.

Nếu như từ năm 2008 đến 2010, thị trường vàng thường xuyên chứng kiến cảnh người dân xếp hàng, chen lẫn mua vàng. Thì nay, điều đó đã không diễn ra căng thẳng, ngay cả trong hai tháng giá vàng bùng nổ vừa qua. Thậm chí, dữ liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 6 tháng qua, các ngân hàng thương mại đã mua ròng khoảng 60 tấn vàng từ dân cư.

Tương tự như xu hướng chuyển đổi USD sang VND đã thể hiện, nguồn chuyển đổi từ vàng cũng giải thích vì sao lượng tiền gửi của dân cư liên tục tăng cao, có thể nói là đột biến kể từ đầu năm đến nay, đặc biệt là bằng VND.

nung-chay-60-tan-vang-thanh-tien-dong

Số liệu thống kê cho thấy, tính đến ngày 19/10/2012, tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng tăng tới 14,02% so với cuối năm 2011; trong đó, huy động bằng ngoại tệ giảm 1,55%, còn huy động bằng VND tăng tới 17,52%. Riêng huy động vốn của dân cư tăng tới 23,31%; trong đó, huy động bằng ngoại tệ giảm mạnh 5,53%, còn bằng VND tăng tới 28,76%.

Những dữ liệu trên cho thấy giá trị và sự hấp dẫn của VND được khẳng định. Và sự gia tăng rất mạnh của tiền gửi VND từ dân cư có nguồn lớn từ chuyển đổi vàng và USD. Riêng khoảng 60 tấn vàng mà người dân bán ra nói trên là một tham khảo cụ thể.

Ở hướng thứ hai, trước mắt Ngân hàng Nhà nước có thể nhất quyết ngừng hẳn huy động vàng. Người dân có vàng sẽ phải tự giữ ở nhà, hoặc gửi ở ngân hàng những phải mất phí thay vì được chào mời và hưởng lãi suất như hiện nay. Yếu tố an toàn nếu cất giữ ở nhà, bất tiện trong bảo quản, cất trữ hay vận chuyển cũng là một điểm mà người sở hữu cân nhắc.

Nhưng quan trọng hơn, có thể lường tính rằng nhà điều hành đang “nghĩ” đến khả năng đề xuất cơ quan có thẩm quyền hướng đánh thuế vào vàng. Lý do, vàng hiện nay là một mặt hàng, nó được giao dịch như các hàng hóa khác nên áp thuế giá trị gia tăng là một hướng đặt ra.

Thêm nữa, vàng là loại hàng hóa đặc biệt, nên cũng có thể xem xét cả loại thuế tiêu thụ đặc biệt. Giả thiết về thuế như vậy là nhằm hạn chế sự hấp dẫn của vàng trong dân cư, góp phần kích thích chuyển đổi.

Về hướng này, một chuyên gia từng nêu quan điểm rằng, vàng được mua đi bán lại, tiền từ túi người này chảy sang túi người khác mà không tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế; tiền bị “chôn” ở đó mà không đi vào sản xuất kinh doanh, nên không nên khuyến khích người dân găm giữ. Áp thuế là một hướng để không khuyến khích.

Cũng chính vì không khuyến khích người dân mua và găm giữ, nên có thể giải thích vì sao Ngân hàng Nhà nước không quyết liệt trong việc bình ổn giá, thu hẹp chênh lệch với giá thế giới hiện nay.

Điểm lo ngại nhất là thị trường vàng biến động, gây bất ổn kinh tế vĩ mô mà cụ thể là vấn đề tỷ giá. Tuy nhiên, diễn biến vừa qua và hiện nay không gây xáo trộn vĩ mô, hoạt động nhập lậu gần như được triệt tiêu, tỷ giá ổn định nên Ngân hàng Nhà nước vẫn “bình chân”.

Như vậy, thời gian tới hướng đi của Ngân hàng Nhà nước có thể lường đoán là: kết hợp hai hướng, vừa tạo giá trị hấp dẫn cho VND vừa tìm cách hạn chế sự hấp dẫn của vàng, để kích thích người dân chuyển đổi vàng sang VND, xem đó là một cách để huy động sức vàng trong dân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại