1. Siêu vận chuyển Beluga của hãng Airbus
Chiếc máy bay siêu vận chuyển của hãng AIrbus.
Chiếc Beluga của hãng Airbus hiện là máy bay chở hàng lớn nhất thế giới, được thiết kế để vận chuyển những món hàng siêu trường siêu trọng như bộ phận của máy bay.
Được đặt biệt danh là Siêu Vận chuyển, chiếc Beluga dài hơn 184 feet (56m) và có thể chở hàng với khối lượng 47 tấn, đi trên quãng đường 900 hải lý. Ra mắt lần đầu năm 1995, Beluga được Airbus thiết kế nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất của chính họ. Cho đến nay hãng máy bay này có một đội 5 chiếc Beluga đang hoạt động, với nhiệm vụ chuyên chở các bộ phận máy bay từ 4 nhà máy của họ đặt tại 4 quốc gia Pháp, Đức, Anh và Tây Ban Nha về khu lắp ráp.
2. Máy bay đánh "bom nước" Bombardier 415
Chiếc máy bay này được dùng chủ yếu dập các đám cháy rừng.
Bombardier 415 ra đời tại Canada, hiện là chiếc máy bay duy nhất trên thế giới được thiết kế chuyên cho việc chữa cháy từ trên không. Kể từ khi ra đời năm 1994, cho đến nay có 76 chiếc Bombardier 415 đang hoạt động tại 18 nhà cung cấp ở 10 quốc gia. Chiếc máy bay có thể hút nước từ mặt hồ trong khi đang bay, với tốc độ 1.621 gallon nước chỉ trong 12 giây. Trong mỗi tiếng đồng hồ chữa cháy, chủ yếu là đối với các vụ cháy rừng, Bombardier 415 có thể đạt tới năng suất 9 lần thả nước trong vòng một tiếng đồng hồ, xả ra tổng cộng 14.600 gallon nước.
Ngoài ra, trong nhiều trường hợp khác người ta còn huy động Bombardier 415 để tìm kiếm và cứu nạn hay vận chuyển công nhân. Giá của từng chiếc máy bay cứu hỏa không được tiết lộ, tuy nhiên nhà sản xuất Bombardier cho biết tính đến tháng 3/2011, họ đã bán được 415 chiếc Bombardier 415 thu về tổng cộng 162 triệu USD.
3. Sếu trời Erickson S-64 Aircrane
Chiếc máy bay trực thăng được dùng để vận chuyển các món hàng kích cỡ lớn.
Với biệt danh "sếu trời", chiếc S-64 Aircrane là máy bay trực thăng với động cơ kép có thể vận chuyển các vật nặng lên tới 11.300 kg. Đây cũng là chiếc trực thăng đầu tiên trên thế giới cho phép phi công quan sát toàn diện đối với hàng đang được chuyên chở. Ban đầu, chiếc S-64 Aircrane được hãng chuyên sản xuất máy bay Sikorsky Aircraft thiết kế năm 1962. Tuy nhiên, 30 năm sau đó, hãng Erickson Air-Crane đã mua lại quyền sản xuất và kể từ năm 1992 đến nay đã cho ra đời 1.350 chiếc "Sếu trời" khác nhau.
Dang tiếng của "Sếu trời" bắt đầu vang xa từ cuộc chiến tranh Việt Nam, khi quân đội Mỹ sử dụng loại máy bay này để chuyên chở hàng trăm máy bay, trực thăng bị hư hỏng khác mang về sửa chữa thay vì bỏ lại địa bàn, tiết kiệm cho quân đội Mỹ 240 triệu USD.
Kể từ khi gia nhập thị trường hàng không dân dụng vào năm 1969 đến nay, chiếc S-64 tham gia chủ yếu vào ngành xây dựng và góp mặt vào nhiều công trình nổi tiếng thế giới. Năm 1975, máy bay này giúp chuyên chở vật liệu khi xây tòa tháp CN ở Toronto, công trình tòa tháp cao nhất thế giới thời kỳ đó. Năm 1993, "Sếu trời" được dùng để vận chuyển và thay thế Bức tượng Tự do trên nóc tòa nhà U.S. Capitol ở Thủ đô Washington D.C.
4. Máy bay săn bão WP-3D Orion
Chiếc máy bay được thiết kế để lao vào những cơn bão khủng khiếp nhất.
Chiếc WP-3D Orion của hãng máy bay Mỹ Lockheed được thiết kế để có thể lao thẳng vào những con giông bão để thu thập thông tin thời tiết như hướng và cường độ của cơn bão.
Ra mắt vào năm 1976, cho đến nay chỉ có hai chiếc máy bay loại này được sử dụng. Ngoài động cơ phản lực, chiếc WP-3D Orion còn được trang bị nhiều máy móc phục vụ nghiên cứu khoa học như radar, máy cảm biến, hệ thống đo đạc nhiệt độ, không khí, khí hậu. Bên cạnh việc nghiên cứu các cơn bão, máy bay còn được trưng dụng trong các cuộc nghiên cứu khoa học tầm quốc tế.
Theo VnExpress