Ngày hôm qua (10/8), Thượng viện Nhật do đảng đối lập kiểm soát đã phê chuẩn dự luật của Thủ tướng Yoshihiko Noda nâng gấp đôi thuế tiêu dùng (thuế trả khi mua hàng, tương tự VAT ở Việt Nam) cho đến năm 2015. Theo đó, mức thuế này sẽ tăng lên 8% vào tháng 4/2014 và 10% năm 2015, đi kèm một điều khoản cho phép hủy bỏ thực thi nếu tình hình kinh tế gặp bất lợi.
Tuy nhiên, để đổi lại, Thủ tướng Noda đã phải đồng ý với cả hai đảng đối lập rằng ông sẽ tổ chức bầu cử sớm. Dự luật này đang gây chia rẽ sâu sắc nội bộ đảng Dân chủ cầm quyền và làm suy yếu triển vọng thắng cử của ông Noda. Vào tháng 6, 50 nghị sĩ đảng này đã nộp đơn ly khai ngay sau khi Hạ viện đã thông qua dự luật trên.
Thượng viện Nhật đã chấp thuận tăng thuế tiêu dùng lên gấp đôi năm 2015.
Lần cuối cùng Nhật Bản nâng thuế tiêu dùng là vào năm 1997. Tuy nhiên, chính việc đó lại đẩy cường quốc này vào chuỗi 20 tháng suy thoái và khiến thủ tướng lúc bấy giờ là Ryutaro Hashimoto phải từ chức.
Trong một cuộc họp báo ở Tokyo, ông Noda cho biết: "Cải thiện tình hình tài khóa là việc làm rất bức thiết hiện nay và tôi muốn mọi người hiểu được điều đó". Ông đã đưa vấn đề tăng thuế vào trung tâm của buổi nghị sự và cho biết việc này là để kìm hãm nợ công cũng như chi trả cho hoạt động an sinh xã hội, bất chấp làn sóng phản đối đang gia tăng.
Lãi suất trái phiếu Nhật đã giảm nửa điểm cơ bản xuống 0,795% ngày hôm qua sau khi tăng lên mức cao nhất một tháng với 0,81% ngày 7/8 do lo ngại dự luật có thể bị bác bỏ. Tuy nhiên, kể cả khi tăng thuế tiêu dùng, hồi tháng 1, chính phủ Nhật vẫn nhận định họ có thể bỏ lỡ mục tiêu thặng dư ngân sách cơ bản (không tính chi phí lãi vay) vào năm tài chính 2020. Nước này dự đoán thâm hụt cơ bản sẽ nằm trong khoảng 1,9% - 3,1% GDP năm 2020, giảm mạnh so với 7,4% năm ngoái.
Ông Takahira Ogawa - Giám đốc bộ phận đánh giá tín dụng quốc gia tại Standard and Poor’s Singapore cho biết: "Tăng thuế tiêu dùng lên 10% vẫn không đủ để giải quyết vấn đề". Tháng 1/2011, S&P đã đánh tụt tín nhiệm của Nhật Bản xuống AA- và hạ triển vọng xuống “tiêu cực” chỉ ba tháng sau đó.
Quỹ tiền tệ quốc tế IMF và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều thúc giục Nhật Bản hành động mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết nợ nần. OECD dự đoán nợ công nước này sẽ chạm mốc 223% GDP vào năm 2013.