Hiện nay, các ngân hàng đã chuẩn bị sẵn sàng phương án kích cầu sau khi thực hiện giải pháp nới lỏng tiền tệ vào tuần trước nhằm đối phó với suy thoái leo thang ở Trung Quốc và cuộc khủng hoảng nợ dai dẳng ở châu Âu.
Ngân hàng trung ương đã triển khai chính sách nới lỏng bằng cách tăng cường mua trái phiếu do hoạt động sản xuất ở nhiều quốc gia suy giảm hơn dự kiến, điều này đã tác động mạnh mẽ tới hoạt động sản xuất ở các nhà máy và sản lượng xuất khẩu.
Trong diễn đàn hôm thứ hai vừa qua, Phó thống đốc ngân hàng Nhật Bản, ông Hirohide Yamaguchi phát biểu: “Chúng ta đánh giá nền kinh tế hiện tại đang thụt lùi. Nếu vậy, chẳng có lý do gì để trì hoãn việc triển khai các chính sách để cứu vãn tình thế. Nếu có tín hiệu nào gây rủi ro cho nền kinh tế như việc đồng yên tăng giá làm “tổn thương” đến sản lượng xuất khẩu thì ngân hàng Nhật Bản sẽ hành động táo bạo và linh hoạt để bảo vệ nền kinh tế”.
Trong nửa đầu năm nay, nhờ có sự hỗ trợ từ tiêu dùng cá nhân và ngân sách chi tiêu cho công cuộc tái xây dựng từ trận động đất năm ngoái, kinh tế Nhật Bản đã phục hồi với tốc độ thần kỳ, vượt hơn hẳn so với các quốc gia khác nằm trong nhóm G7. Tuy nhiên, hàng loạt các dữ liệu gần đây bao gồm sụt giảm trong xuất khẩu và sản lượng sản xuất đã dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế Nhật Bản đang phục hồi chậm chạp.
Thống đốc ngân hàng, ông Shirakawa cũng đưa ra dự đoán “ Quá trình phục hồi kinh tế của Nhật Bản sẽ bị trì hoãn khoảng 6 tháng do sự suy giảm trong tốc độ tăng trưởng Trung Quốc và hậu quả của cuộc nợ công châu Âu kéo dài hơn dự đoán”.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản không có ý định điều chỉnh trực tiếp giá trị đồng yên do qui định của Pháp luật hiện hành không được phép can thiệp vào thị trường tiền tệ. Nhưng điều đó không có nghĩa ngân hàng không quan tâm đến biến động tỷ giá. Nếu đồng yên vẫn tiếp tục tăng, ngân hàng sẽ xem xét quyết định có nên nới lỏng chính sách nữa haykhông.
Phó thống đốc cho biết “Hiện nay, tiêu dùng cá nhân trong nước đang suy giảm, cảnh báo tình trạng nhu cầu nội địa không thể bù đắp cho sự sụt giảm về xuất khẩu”. Chính vì vậy, nếu tình hình không có chuyển biến khả quan, ngân hàng trung ương buộc phải mạnh dạn thực hiện các biện pháp tác động đến tỷ giá tiền tệ.