Ông Trần Văn Nguyên, Phó tổng giám đốc Công ty Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3) thừa nhận: "Mặc dù giá bán đã tính đúng tính đủ nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hầu hết các dự án nhà thu nhập thấp đều trong tình trạng chợ chiều, bán ra rất chậm".
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 5 (Handico 5) sau khi hồ hởi xây nhà thu nhập thấp cũng trong tình cảnh tương tự Hanco 3. 420 căn hộ nhà thu nhập thấp dự án Sài Đồng được chào bán từ suốt một năm nay nhưng vẫn còn tồn đến 20%.
Tổng công ty Viglacera có phần may mắn hơn Hanco, sau khi bán hết 800 căn ở khu nhà thu nhập thấp Đặng Xá 1 (Gia Lâm), đã được Bộ Công an xin mua nhà ở cho các chiến sĩ gần 200 căn còn lại. Nhờ vậy mà "ông lớn" thoát khỏi cảnh tồn kho hàng trăm căn hộ.
"Thực ra, khi càng phân nhỏ căn hộ thì suất đầu tư càng tăng lên, nhưng chúng tôi vẫn giữ gần ngang bằng giá nhà thu nhập thấp Đặng Xá 1, ở mức 10 triệu đồng mỗi m2", ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Viglacera nói.
Trước đây, dự án nhà thu nhập thấp Đặng Xá 1 rộng tới
55-70 m2, như vậy, với giá bán 10,3 triệu đồng một m2 (đã VAT), mỗi căn
hộ lên tới gần 600-750 triệu đồng.
Là đơn vị đầu ngành trong thiết bị
gốm sứ, Viglacera hào phóng thiết kế mỗi căn hộ gồm hai phòng ngủ, một
phòng khách, phòng bếp, thậm chí có đến 2 nhà vệ sinh. Tuy nhiên, đến dự
án Đặng Xá 2, chủ đầu tư đã "rút kinh nghiệm" chia nhỏ căn hộ để giảm
giá thành.
"Nếu chia nhỏ diện tích căn hộ 30 m2 trở lên thì chỉ còn 300 triệu, người dân có thể tiếp cận được dự án. Như vậy, khi tiếp tục triển khai dự án thì doanh nghiệp sẽ không lo ế hàng", ông nói.