Cuộc kiểm tra của Tổ công tác liên bộ Công thương - Tài chính vừa qua chỉ căn cứ trên các văn bản của EVN cung cấp, như Báo cáo tài chính có Kiểm toán độc lập kiểm toán, Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2010 sau kiểm toán, hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các đơn vị phát điện…
Thất thoát trong quản lý, đầu tư dàn trải gây lỗ, trách nhiệm của lãnh đạo EVN đến đâu?
Không ai phủ nhận điện lực là ngành nặng nhọc, vất vả, ẩn chứa nhiều rủi ro về an toàn lao động. Quỹ lương của EVN cũng được các bộ, ngành chức năng phê duyệt trên cơ sở hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đã được duyệt theo kế hoạch về sản lượng điện thương phẩm, tổn thất điện năng, giá bán bình quân…
Đưa một con số ra để so sánh, nếu người đứng đầu EVN có thu nhập lên tới 1,7 tỷ đồng/năm (chia cho 12 tháng thì khoảng 150 triệu đồng/tháng) thì đa số công nhân ngành điện cũng chỉ hưởng lương vài ba triệu, thậm chí có người chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng.
Trong khi tình hình kinh tế đang rất khó khăn, thu nhập người dân đang bị hạn chế lại phải chịu nhiều chi phí gia tăng do giá cả tăng và đồng tiền mất giá. Thay vì tự soi xét lại mình thì EVN luôn muốn đẩy những khó khăn, yếu kém đó về phía người dân.
Theo Hanoimoi