Nhận dịch thuật cho một công ty sách hơn 3 năm nay, chị Vân, sống ở Yên Phụ, Hà Nội kiếm thêm được gần 2 triệu đồng mỗi tháng. Song mấy hôm nay, giờ làm kết thúc muộn, chị bắt đầu lo khó lòng theo tiếp được công việc trên. Chị Vân chia sẻ, với chính sách mới, 17h30, chị bắt đầu tan sở, về đến nhà là 18h, nấu nướng, cơm nước xong là 8 giờ tối. Lúc đó, chị lại bắt tay vào dạy con nhỏ học bài, đến khuya mới có thời gian ngồi dịch.
"Trước, 4h30 chiều mình tan làm, cháu cũng được nghỉ học sớm, cả nhà ăn cơm xong chỉ khoảng 7h tối thì mình còn tranh thủ được ít thời gian ngồi dịch. Giờ, muốn kiếm thêm thì mình phải thức đêm, tình trạng đó không biết kéo dài được bao lâu", chị Vân lo lắng.
Không ít người lo tan học, tan làm muộn sẽ ảnh hưởng thu nhập làm thêm. Ảnh minh họa: Đạt Lê
Chị cho hay, để đạt tiến độ nhà sách yêu cầu, trung bình mỗi tối chị đều phải dành 2 giờ đồng hồ để đọc và dịch. Nếu giao sách muộn, chị có thể mất việc.
Việc lùi giờ làm đến 6h chiều cũng khiến chị Phạm Phương Nga, nhân viên công ty cơ khí trên đường Minh Khai, Hà Nội khó sắp xếp được thời gian đi thu tiền điện thuê. Công việc này hiện mang lại cho chị khoảng 500.000 đồng một tháng. Kết thúc việc ở công ty lúc 17h30, đi nhận biên lai, hóa đơn rồi đi thu đến 7h30 tối, đều đặn mỗi tháng 5 ngày như vậy.
Nhưng nay, chị chỉ có khoảng một tiếng mỗi tối để đi thu tiền điện, rất khó để kịp tiến độ bàn giao và quyết toán. "Kiểu gì thì 20h, mình phải có mặt ở nhà để xem con cái đi học về chưa, cơm nước, bài vở ra sao. Nếu không thu xếp được thời gian, chắc cũng đành bỏ chứ không thể về muộn hơn", chị Nga nói.
Không còn hoài nghi như vậy, cô Hoài, giáo viên Tiếng Trung của một trường đại học ở Hà Nội chắc chắn thu nhập tháng tới bị giảm sút trầm trọng. Bởi từ 2 lớp dạy mỗi tối, giờ cô chỉ còn một ca 19h30-21h30. Cô tâm sự, gia đình gặp khó khăn nên sau giờ lên lớp, cô nhận dạy thêm cho một trung tâm ngoại ngữ luyện thi đại học. Nhưng do các em cấp 3 đổi sang học ở trường đến 19h nên 2 lớp buổi tối ghép lại thành một. Lương của cô tại đó cũng vì thể mà bớt đi một nửa.
Chị Phương, ở Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội còn tốn thêm một khoản tiền để nhờ người đưa đón con đi học. Hai em bé sinh đôi nhà chị đều học tại trường gần nhà nên nếu theo khung giờ trước đây, chị có thể đưa con vào lớp rồi đến cơ quan. Chiều xong việc lúc 4h30, chị đi đón cháu là vừa kịp.
Với chính sách mới, mẹ và con cùng vào học và làm lúc 8h sáng, cùng tan lúc 17h, chị buộc phải thay đổi nếp sinh hoạt của gia đình. Chị Phương kể, hôm đầu tiên áp dụng chính sách này, chị gặp tắc đường đến 6h chiều mới đón được con. Vừa gặp mẹ, 2 cháu đã mếu máo vì vừa sợ, vừa đói. Ngay ngày hôm sau chị nhờ bác hàng xóm đưa đón con đi học với khoản bồi dưỡng 300.000 đồng mỗi tháng.
Theo chị Phương, việc tốn thêm vài trăm nghìn đồng mỗi tháng không phải là vấn đề lớn, song chị phiền lòng vì không thể sát sao đến việc học của con như trước. Bởi đưa đón con đến lớp, chị thường xuyên gặp cô giáo để cập nhật tình hình học tập, điểm số cũng như kỷ luật của cháu.Theo quyết định của UBND Hà Nội, từ ngày 1/2, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, trường học ở 10 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên và hai huyện Từ Liêm và Thanh Trì sẽ bắt đầu thay đổi giờ học, giờ làm.
Trong đó, các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, trung học phổ thông bắt đầu học từ trước 7h, kết thúc sau 19h. Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở học từ 8h và kết thúc vào 17h.
Các cơ quan, tổ chức của trung ương, thành phố, quận huyện, xã phường, thị trấn bắt đầu làm việc vào 8h và kết thúc vào 17h. Các trung tâm thương mại dịch vụ (trừ ngân hàng, tài chính) bắt đầu làm từ 9h và kết thúc sau 19h. Nhà máy, xí nghiệp làm theo ca, lực lượng vũ trang nhân dân... giữ nguyên thời gian làm việc như hiện tại.
Theo VnExpress