SJC không chịu trách nhiệm về vàng nhái thương hiệu SJC
Liên quan đến vụ việc khách hàng “tố” ngân hàng ACB trả vàng nhái nhãn hiệu SJC, trao đổi với PV, bà Lê Thúy Hằng, Giám đốc Chi nhánh miền Bắc công ty TNHH MTV vàng bạc đá quí Sài Gòn – SJC cho biết, thực tế trong khoảng thời gian từ tháng 8,9,10, trong quá trình tiếp nhận một lượng vàng SJC vô cùng lớn lên tới cả nghìn lượng/ngày, công ty đã phát hiện một lượng khá lớn vàng nhái thương hiệu SJC
“Lượng vàng SJC được khách hàng đưa về công ty thực hiện các giao dịch và bị phát hiện nhái trong thời gian qua có nhiều nguồn khác nhau. Thứ nhất là từ rút tiết kiệm ở các ngân hàng rồi từ các giao dịch tại các cửa hàng lẻ…”, bà Hằng cho hay.
Ảnh minh họa (nguồn Internet) |
Cũng theo bà Hằng, SJC là thương hiệu vàng quốc gia, tên tuổi đã được khẳng định, đồng thời, công ty SJC là đơn vị sản xuất ra miếng vàng, lại được trang bị đầy đủ máy móc nên có đủ thẩm quyền trả lời miếng vàng đó thật hay nhái hay nói cách khác SJC chịu trách nhiệm về miếng vàng do mình sản xuất ra.
“Trong quá trình vừa qua, vì nhu cầu của người dân quá sợ vàng nhái và vấn đề phải chuẩn miếng vàng trước khi thông báo với khách hàng, chúng tôi đã tăng cường lãnh đạo và các kiểm định viên. Hiện nay, ở Hà Nội, chúng tôi có tới 5 người làm công tác kiểm định.
Để đảm bảo độ chính xác, khi phát hiện miếng vàng nhái chúng tôi còn làm giấy xác nhận chuyển vào một đơn vị kiểm định đúng của công ty tại thành phố Hồ Chí Minh và cho vào máy để kiểm tra hàm lượng, chất lượng vàng”, bà Hằng nói.
Bà Hằng cũng cho biết thêm, hiện nay chiếc máy đó chỉ SJC có và được đặt tại một viện nghiên cứu uy tín tại Đà Lạt.
“Khách hàng đến đây bán vàng SJC không cần hóa đơn, không cần chứng từ, chỉ cần khi kiểm định của công ty xác nhận đây là miếng vàng thật của SJC thì chúng tôi sẵn sàng mua theo giá niêm yết tại thời điểm đó”, bà Hằng nhấn mạnh.
Bà Hằng cũng tái khẳng định: “SJC không có trách nhiệm với miếng vàng nhái bởi đây không phải là sản phẩm do công ty sản xuất ra. Trách nhiệm ở đây thuộc về các ngân hàng nào trao trả tiết kiệm cho họ và những đơn vị, cửa hàng nào kinh doanh miếng vàng đó”.
Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và chính người tiêu dùng, bà Hằng cho biết thêm, công ty sẽ cắt hủy miếng vàng SJC nhái đó để người dân có thể đem bán ra thị trường với hình thức vàng nguyên liệu hoặc có thể bị chuyển tới cơ quan công an nếu bị nghi ngờ.
Nhằm tránh phiền phức và thiệt hại khi mua vàng, theo bà Lê Thúy Hằng, người dân nên đến cửa hàng của chính SJC để mua, đồng thời yêu cầu nơi bán xuất hóa đơn tài chính, ghi rõ số sê ri của miếng vàng.
“Trong thời gian qua chúng tôi cũng đã mở các lớp tập huấn cho nhân viên của các ngân hàng và cửa hàng kinh doanh vàng trên địa bàn để giúp họ phân biệt được đâu là vàng SJC thật và nhái.
Còn việc phổ biến công khai thông tin phân biệt vàng giả, vàng nhái chưa thể làm vì khi đưa ra thông tin chi tiết để phân biệt thì ngay lập tức các đối tượng làm giả đều có thể điều chỉnh phù hợp. Để đảm bảo tính bảo mật và ngăn chặn xuất hiện thêm vàng giả nên SJC chỉ cung cấp cho những đơn vị cần thông tin chứ không phổ biến rộng rãi”, bà Hằng bày tỏ.
Phối hợp cùng công an điều tra vàng SJC nhái
Đối với trường hợp phản ánh của chị Tuyết mà chúng tôi đã thông tin, sau khi xem xét các thông tin và thư trả lời của phía ACB, bà Hằng cho rằng: “Việc ACB không chịu trách nhiệm với trường hợp của chị Tuyết như vậy là chưa đúng. Và để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, chị có thể mang các chứng từ có liên quan gửi đến SJC để chúng tôi chuyển giúp hoặc gửi thẳng đến phòng cảnh sát PC 46 công an Hà Nội để được giúp đỡ, yêu cầu ACB phải chịu trách nhiệm về vấn đề này".
Bà Hằng cho hay, hiện SJC đang phối hợp với phía công an lập chuyên án điều tra về tình trạng vàng nhái thương hiệu này.