Khuyến mãi, khuyến mãi và khuyến mãi...
Chỉ cần gõ cụm từ "khuyến mãi" lên Google, người dùng sẽ nhận được hơn 65 triệu kết quả. Thậm chí còn có những trang web được lập ra chuyên về đăng thông tin khuyến mãi như: khuyemaishock.com, hangkhuyenmai.vn ... Dạo qua facebook thì có những fanpage Khuyến Mãi Vàng, Thế Giới Khuyến Mãi.. Nơi thông tin khuyến mãi được cập nhật hàng giờ.
Nghẹt thở với khuyến mãi
"Khi tôi còn là sinh viên, các mặt hàng rất ít khi khuyến mãi. Mà có cũng chả rầm rộ như bây giờ, toàn là sinh viên rỉ tai nhau biết để đi mua đồ cho tiết kiệm. Bây giờ sáng nào cũng nhận được tờ quảng cáo khuyến mãi từ Big C hoặc Coop Mart, lật tờ báo ra cũng thấy toàn voucher khuyến mãi, lên mạng cũng nhận được email khuyến mãi. Riết thấy khuyến mãi chả còn hấp dẫn nữa" - Ngọc, 28 tuổi, nhân viên bộ phận thua mua của công ty Intel cho biết.
Thái độ dần thờ ơ của người tiêu dùng với khuyến mãi chính là hệ quả tất yếu của việc "ngập lụt" với quá nhiều đợt khuyến mãi từ các nhãn hàng. Đầu năm thì có khuyến mãi mừng năm mới, đến tháng 3 thì có khuyến mãi mừng ngày phụ nữ, tháng 9 thì khuyến mãi mừng nhập học và trung thu, khuyến mãi mừng nhãn hàng mới ra đời hoặc nhiều khi khuyến mãi chẳng vì lý do gì. Khuyển mãi rải đều qua 365 ngày trong năm với 1001 các lý do "chính đáng" từ phía nhà sản xuất.
Người tiêu dùng e ngại khuyến mãi
Thờ ơ với giảm giá
Định nghĩa của khuyến mãi là những hoạt động nhằm xúc tiến việc tiêu thụ hàng hóa của người tiêu dùng bằng các hình thức: Giảm giá, tặng quà rút thăm trúng thưởng... Nhưng một khi sử dụng quá nhiều sẽ gây phản tác dụng đến người tiêu dùng.
Khuyến mãi chỉ đặc biệt chỉ khi tần suất khuyến mãi diễn ra ít, người tiêu dùng mới có thể cảm thấy được giá trị của việc khuyến mãi và bị thúc đẩy bởi tâm lý "mua ngay kẻo hết". Với những đợt khuyến mãi kéo dài quá nhiều ngày và nhiều lần, người tiêu dùng sẽ nảy sinh suy nghĩ: "Không mua lần này sẽ còn lần sau". Khuyến mãi sẽ mất đi giá trị của riêng nó Tâm lý của người tiêu dùng, đặc biệt là khách hàng châu Á luôn rất nhạy cảm trong việc lựa chọn sản phẩm
Với việc liên tục giảm giá thành sản phẩm thông qua việc khuyến mãi tràn lan không có kế hoạch, nhà sản xuất đang làm mất đi giá trị của sản phẩm. Vì người tiêu dùng sẽ mặc định giá của sản phẩm chính là giá khuyến mãi. Khi hết thời kì khuyến mãi, khách hàng sẽ không có tâm lý muốn mua hàng mà chờ đến đợt khuyến mãi tiếp theo. Điều đó vô tình làm cho sản phẩm trở nên khó tiêu thụ trong những tháng không khuyến mãi.
Tâm lý của người tiêu dùng, đặc biệt là khách hàng châu Á luôn rất nhạy cảm trong việc lựa chọn sản phẩm . "Đi dạo siêu thị đâu đâu cũng thấy giảm giá hết ngày nay qua ngày khác. Nhà sản xuất nào chả phải có lời, đâu thể cứ suốt ngày biếu không cho người tiêu dùng được. Nên nhiều khi thấy khuyến mãi cũng ngại, chả biết có phải do tăng giá khống lên hay là lại rút bớt đi nguyên vật liệu bên trong" - Cô Bích, 50 tuổi, nội trợ trong một gia đình chia sẻ sau khi đi siêu thị về.
Khuyến mãi tràn lan sẽ tạo tâm lý nghi ngờ cho người tiêu dùng
Thay vì một cách để doanh nghiệp tri ân đến khách hàng , khuyến mãi thừa mứa đã ngấm ngầm tạo tâm lý nghi ngờ, e ngại. Nhất là trong môi trường kinh doanh "Vàng Thau lẫn lộn" như Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam không có một cơ sở vững chắc để tin vàochất lượng của sản phẩm
Khuyến mãi không đơn thuần là khuyến mãi
Lâu nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam chỉ nhìn khuyến mãi đơn thuần như một hoạt động nhỏ lẻ trong kinh doanh hơn là một chiến lược bài bản, có đóng góp mạnh mẽ đối với việc định vị giá trị thương hiệu. Trong khi trên thực tế, khuyến mãi là một hoạt động vô cùng nhạy cảm và phức tạp.
Trước khi có bất kì khuyến mãi nào cho người tiêu dùng, doanh nghiệp nên tự đặt câu hỏi cho chính mình: Làm sao để khuyến mãi của thương hiệu mình trở nên khác biệt so với những thương hiệu khác? Làm sao để khách hàng cảm nhận được sự tri ân của doanh nghiệp đến khách hàng chứ không chỉ đơn thuần là một chiêu trò "tăng doanh số"? Làm sao để giảm giá mà không giảm giá trị sản phẩm ? Khuyến mãi khi nào và bao lâu là thích hợp ?
Để trả lời được những câu hỏi trên đòi hỏi các doanh nghiệp ở Việt Nam cần một tư duy vững chắc, cẩn trọng và chừng mực hơn trong vấn đề khuyến mãi cho người tiêu dùng nhất là trong thời kì "lạm phát" khuyến mãi như hiện nay.