Tại Ngày hội chứng khoán diễn ra ở Dinh Thống Nhất TP HCM ngày 21/9, các chuyên gia kinh tế, tài chính đã chia sẻ góc nhìn đa chiều với hàng trăm nhà đầu tư trẻ về thách thức của kinh tế Việt Nam trong vài năm tới. Câu chuyện được các chuyên gia xới lên nhiều nhất là nợ xấu.
Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính Đại học Kinh tế TP HCM, Lê Đạt Chí không đồng tình với dự báo theo kiểu kỳ vọng rằng năm sau kinh tế sẽ tốt hơn năm trước. Ông khẳng định chắc chắn sẽ chỉ có một kịch bản kinh tế bi quan cho những năm sắp tới. "Nhiều người cứ đoán mò năm 2012 hay năm 2013 kinh tế sẽ sáng sủa hơn nhưng cách nghĩ này thiếu cơ sở", ông nhấn mạnh.
Theo ông Chí, GDP Việt Nam dựa trên đầu tư công, FDI (vốn nước ngoài) và tín dụng. Với bối cảnh kinh tế toàn cầu không thuận lợi và nguồn lực giới hạn của Việt Nam như hiện nay thì không thể mong đợi kinh tế khởi sắc, càng không thể mơ về gói kích thích kinh tế.
Chuyên gia kinh tế này dự báo, nhà đầu tư nước ngoài
đến Việt Nam thời điểm này chỉ để thăm dò hơn là đổ tiền vào đầu tư. Tâm
điểm của Việt Nam trong thời gian tới là xử lý nợ và đối mặt với giảm
phát.
Ông cho rằng giảm phát có 9 giai đoạn và nguy hiểm hơn lạm phát rất nhiều. Việt Nam đang lún sâu vào giai đoạn thứ hai của quá trình này, nợ quá nhiều và hạn chế cho vay thêm."Nếu kích thích kinh tế lúc này không khéo sẽ kích nhầm", ông Chí lo ngại.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển
Trong khi đó, Giám đốc Viện nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận xét: "Năm nay rất khó dự báo. Nền kinh tế đang điều hành không dừng lại ở việc bấm nút để tăng giảm nhiệt độ nữa. Những gì diễn ra cho thấy kinh tế đòi hỏi những giải pháp vượt tầm kiểm soát thông thường".
Theo ông Hiển, năm 2012 là giai đoạn Việt Nam thực sự đụng chạm vào các vết thương để tìm biện pháp chữa bệnh. Nhiều khả năng giai đoạn 2013-2015, Chính phủ có thể chọn mô hình kinh tế bền vững, kiểm soát cẩn thận dòng tiền chảy ra thị trường. Chính sách này sẽ gây sức ép không nhỏ đến bất động sản và giá vàng.
Chuyên gia này dự
báo, xu thế thoái vốn của công ty có cổ phần nhà nước trong thời gian
tới sẽ diễn ra mạnh mẽ. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường buộc
phải tiếp nhận một nguồn cung khá lớn nhưng đây không phải là tín hiệu
xấu.
Trái lại, doanh nghiệp tư nhân 100% còn có cơ hội sàng lọc, tìm kiếm động lực phát triển. Chính thị trường sẽ đo lường giá trị của nguồn cung, công ty tốt sẽ được mua, công ty yếu buộc phải chết, theo đúng quy luật chung của thị trường.
Tiến sĩ Alan Phan
Còn Chủ tịch Công ty quản lý quỹ Saigon Asset Management (SAM), Nguyễn Thế Lữ cho biết, vòng đời của các quỹ đầu tư trung bình là 5-7 năm, giai đoạn các quỹ đầu tư ồ ạt vào Việt Nam là năm 2005-2007 đã sắp hết hạn.
Như vậy, từ cuối năm 2012 trở đi, hàng loạt quỹ đầu tư sẽ đến kỳ xem xét lại danh mục đầu tư và đưa ra quyết định tiếp tục ở lại thị trường Việt Nam hay thoái vốn. Ông cho biết thêm, hiện nay chưa có dòng tiền mới đổ vào Việt Nam vì nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra cực kỳ thận trọng.
Có cái nhìn ít căng thẳng hơn, Chủ tịch quỹ đầu tư Viasa, Alan Phan chia sẻ với các nhà đầu tư trẻ: "Tôi luôn có niềm tin rất lớn vào triển vọng tăng trưởng lâu dài của nền kinh tế Việt Nam. Đầu tư với tầm nhìn lâu dài luôn mang lại sự bền vững, ít rủi ro".
Tuy nhiên, Tiến sĩ Alan Phan thừa nhận hiện ông vẫn rất bi quan khi nhìn về ngắn hạn của nền kinh tế trong năm 2012-2013. Điều ông lo lắng là tâm lý không chịu thay đổi tiếp tục bao trùm lên nền kinh tế, tạo thành sức ì. "Chúng ta cần những nhân tố mới tạo lực đẩy cho nền kinh tế", ông nhận định.