Kinh doanh vàng miếng: Tồn tại cơ chế… xin và cho?

quoclong |

(Soha.vn) - Sau một thời gian cấm, NHNN giờ lại đang xem xét cho một số Ngân hàng và DN được quay lại kinh doanh vàng miếng.

Sau một thời gian cấm các ngân hàng kinh doanh vàng miếng nhằm tránh gây rối loạn thị trường, gần đây, Ngân hàng nhà nước (NHNN) lại đang xem xét cho các Ngân hàng và doanh nghiệp quay trở lại kinh doanh vàng miếng thông qua việc gửi hồ sơ… xin.
Cơ chế “xin và cho”
Kinh doanh vàng miếng: Tồn tại cơ chế… xin và cho? 1
Việc một đại diện NHNN cho biết đang xem xét hồ sơ của một số ngân hàng và doanh nghiệp để cho kinh doanh vàng miếng trở lại khiến cho dư luận không khỏi đặt câu hỏi về tính minh bạch trong kinh doanh vàng miếng hiện nay.
Ngày 27/11, tại buổi lễ triển khai gói tín dụng 1.000 tỉ đồng của Ngân hàng (NH) TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) nhằm ổn định thị trường và kinh doanh hàng Tết Quý Tỵ 2013, ông Nguyễn Hoàng Minh , Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM , cho biết, tính đến nay, NHNN đã nhận được hồ sơ xin kinh doanh vàng miếng của 8 ngân hàng và 13 doanh nghiệp trên địa bàn, NHNN đang xem xét các hồ sơ này.
Còn nhớ, cách đây 2 năm, tại Thông tư  số 22/2010/TT-NHNN của NHNN (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 29/10/2010) đã quy định các tổ chức tín dụng sẽ chỉ được phép huy động vốn bằng vàng thông qua phát hành giấy tờ có giá, thay vì hình thức phát hành sổ tiết kiệm vàng trước đây.
Ngoài ra, ngân hàng sẽ chỉ được phép cho khách hàng vay vốn bằng vàng để sản xuất (chế tác) và kinh doanh vàng trang sức. NHNN chính thức cấm việc cho vay để sản xuất và kinh doanh vàng.
Sau khi thông tư nói trên được thông qua, thị trường vàng trong nước đã phải hứng chịu một cú “sốc” khá lớn: Người dân thì thiếu đi một phương tiện cất giữ mang tính chất truyền thống (vàng miếng), cùng với đó là nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng buộc phải đóng cửa hoặc chuyển đổi hình thức kinh doanh.
Khi đó, đại diện NHNN giải thích rằng việc cấm kinh doanh và dự trữ vàng miếng là cần thiết, đây là biện pháp hữu hiệu nhằm giữ bình ổn thị trường vàng đang biến động lúc bấy giờ.
Nhưng đó là câu chuyện của 2 năm về trước. Giờ đây, động thái trên của đại diện NHNN chi nhánh TP. HCM khi cho rằng đang xem xét hồ sơ của một số ngân hàng và doanh nghiệp để cho kinh doanh vàng miếng trở lại khiến cho dư luận không khỏi băn khoăn.
Những lo ngại trên của dư luận không phải là không có cơ sở khi hàng loạt đặt ra câu hỏi được đặt ra như: Phải chăng thị trường vàng đã được điều tiết ổn định và các doanh nghiệp có thể quay trở lại để kinh doanh bình thường? Việc xem xét hồ sơ xin kinh doanh vàng miếng trở lại, NHNN sẽ dựa trên cơ sở “tiêu chí” nào? Những ngân hàng, doanh nghiệp nào đủ “tiêu chí” để được cấp phép kinh doanh vàng miếng trở lại? Hay đằng sau đó lại là vấn đề khác: nảy sinh cơ chế “xin và cho” – vốn đã tồn tại dai dẳng từ nền kinh tế thời… bao cấp?
Quản lý ngân hàng: Công cụ yếu và thiếu tính minh bạch
Đa số ý kiến cho rằng, sở dĩ việc quản lý thị trường vàng miếng có vẻ “chồng chéo” lên nhau nói trên có nguyên nhân sâu xa từ sự lỏng lẻo trong công tác quản lý các ngân hàng.
Kinh doanh vàng miếng: Tồn tại cơ chế… xin và cho? 2
Bà Phạm Chi Lan – Chuyên gia kinh tế cao cấp: “Công cụ quản lý ngân hàng của ta yếu và thiếu tính minh bạch thông tin”.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan (nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng) cho rằng bất cập lớn nhất trong quản lý hệ thống ngân hàng của nước ta hiện nay rất dễ nhận ra đó là công cụ quản lý yếu và thiếu tính minh bạch thông tin.
Bà Phạm Chi Lan phân tích: “Công cụ quản lý hệ thống ngân hàng của ta hiện nay quá yếu. Thay vì ra các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thì hầu hết lại chỉ thực hiện thông qua những văn bản hành chính từ phía NHNN.
Những văn bản hành chính này trên thực tế không đủ sức nặng, điều kiện ràng buộc để bắt buộc các ngân hàng phải thực hiện, đôi khi văn bản lại còn mang tính chủ quan từ phía NHNN, không phản ánh đúng bản chất thực của thị trường và thiếu tính thống nhất. Bởi thế, khi đưa vào thực hiện sẽ nảy sinh chồng chéo, không phù hợp”.

Cũng theo bà Phạm Chi Lan, hệ quả của sự chồng chéo nói trên dẫn đến những “lỗ hổng” trong quản lý, các ngân hàng gần như “mạnh ai nấy lo”, dễ nảy sinh ra những tiêu cực.
Các ngân hàng về thực chất cũng chỉ như các doanh nghiệp làm công việc kinh doanh thôi. Kinh doanh trong một môi trường tốt thì cạnh tranh lành mạnh, còn trong môi trường quản lý còn nhiều hạn chế thì tất nhiên công việc kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn.
Điều đặc thù của kinh doanh lĩnh vực ngân hàng là những khó khăn đó không chỉ riêng các ngân hàng phải gánh chịu mà nó còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác – những khách hàng sử dụng các loại hình dịch vụ tín dụng của ngân hàng
”, bà Lan cho biết.
Ngoài ra, cũng theo bà Phạm Chi Lan, một hạn chế lớn nhất trong công tác quản lý ngân hàng ở ta hiện nay là thiếu tính minh bạch trong thông tin.
Bà Phạm Chi Lan cho rằng: “Việc thiếu tính minh bạch trong thông tin đưa đến những hậu quả rất to lớn. Vì thiếu thông tin nên việc kinh doanh mới nảy sinh ra những tiêu cực như phải cần những cơ chế kiểu nhờ chỗ quen biết, cơ chế xin cho,… Ngoài ra, do thiếu minh bạch nên khi xảy ra những sai phạm thì không biết quy trách nhiệm về ai”.
Ở nhiều nước, mỗi khi đăng đàn giải trình là người đứng đầu ngân hàng, tổ chức,… phải trả lời đầy đủ, chi tiết, không vòng vo. Bởi thông tin của họ là minh bạch. Công cụ quản lý và cơ chế giám sát của họ tốt.
Còn ở ta, mỗi khi có sai phạm thì “quả bóng trách nhiệm” được đá chuyền từ chân người này sang chân người khác, cuối cùng là không biết quy cho ai cả, chỉ nhà nước và đặc biệt là người dân là phải gánh chịu hậu quả
”, bà Lan cho biết thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại