Bất đồng về phí dịch vụ, chủ đầu tư tòa nhà Keangnam đã cắt điện, hạn chế thẻ sử dụng thang máy của cư dân từ trưa 3/12. Không vào được nhà bằng thang máy, người dân đã gọi công an xã, huyện, cảnh sát 113 can thiệp. Đến 20h hôm qua, ông Lê Văn Phương, Phó trưởng Công an huyện Từ Liêm đã yêu cầu Keangnam phải cung cấp dịch vụ lại đầy đủ cho cư dân. “Nếu không cung cấp phí dịch vụ, Keangnam sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Phương thẳng thắn.
Cư dân Kenagnam mang cả vong để ngủ nhờ ở văn phòng ban quản lý đề phòng trường hợp chủ đầu tư không cấp lại dịch vụ thang máy.
Cuối cùng, sau gần 4 tiếng đàm phán cùng với với sức ép từ phía chính quyền, gần 22h tối qua,ông Ha Jong Suk, Chủ tịch công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina,đã nhượng bộ và ký vào văn bản cam kết với chính quyền và ban đại diện lâm thời là không hạn chế quyền sử dụng thang máy của người dân. Chủ đầu tư cũng cam kết không được cắt bất cứ loại hình dịch vụ nào nữa. Ông Ha cũng hứa sẽ đàm phán với ban đại diện cư dân, dưới sự chủ trì của chính quyền địa phương vào tuần sau.
Sự vụ bắt đầu xảy ra vào trưa qua, khi chủ đầu tư và ban quản lý đã hạn chế quyền sử dụng thang máy của 370 người dân. Cư dân Keangnam đã mang chiếu, loa phát thanh thậm chí đốt than tổ ong để phản đối chủ đầu tư. Nhiều hộ dân không thể lên nhà gồm già trẻ, lớn bé, trong đó có gần chục bà bầu phải vạ vật ở sảnh hai tòa tháp A,B. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi cư dân bức xúc ùa đến văn phòng của ban quản lý yêu cầu cung cấp lại dịch vụ. “Nếu không cung cấp lại dịch vụ, ban quản lý tòa nhà sẽ không thể được rời trụ sở”, bác Trần Xuân Trạch, đại diện cư dân thẳng thắn.
Buổi tối, các hộ dân không lên được nhà dẫn đến cảnh náo loạn tại toàn bộ khu nhà Keangnam từ văn phòng ban quản lý đến hai sảnh A-B và phía hành lang bên ngoài tòa nhà. Đến 20h ngày 3/12, nhiều cư dân còn mang cả võng, chăn gối, lều chõng, thức ăn ở sảnh trước tòa nhà và trụ sở ban quản lý để “ở trọ” trong trường hợp không cung cấp lại dịch vụ. “Chúng tôi đã tính đến phương án căng lều bạt để tránh cảnh màn trời chiếu đất”, chị Minh Thảo, một cư dân cho hay.
Lều thức ăn cũng được cư dân chuẩn bị sẵn ở ngay sảnh tòa nhà cao nhất Việt Nam.
Cư dân cho rằng việc chủ đầu tư ép cư dân đóng phí dịch vụ cao gấp 4,5 lần quy định của UBND thành phố trong khi chất lượng không đảm bảo là điều phi lý. Phía chủ đầu tư thì khẳng định nếu cư dân không đóng phí, ban quản lý sẽ không thể vận hành tòa nhà.
Đây không phải là lần đầu tiên tòa nhà cao nhất Việt Nam gặp rắc rối. Trước đó, cư dân đã biểu tình phản đối chủ đầu tư vì tranh chấp diện tích chung riêng. Với chiều cao thiết kế 70 tầng và tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 1 tỷ USD, khi hoàn thiện, Keangnam là tòa nhà cao nhất Việt Nam, vượt qua cả tháp Bitexco Financial Towers trong TP HCM. Keangnam cũng từng thu hút sự chú ý của dư luận khi bị thách cược 100 tỷ đồng về tiến độ thi công vào năm 2008.
Theo Hoàng Lan
VNE