Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Vàng Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo "Làm thế nào để huy động nguồn lực vàng trong dân" ngày 4/10, căn cứ vào số liệu thống kê của các ngân hàng Thụy Sĩ - nơi cung vàng chủ yếu cho thị trường Việt Nam, tổng lượng vàng nhập về nội địa trong giai đoạn 1990 - 2011 khoảng 500 tấn, trong đó năm thấp nhất là 5 tấn và cao nhất là 80 tấn.
Cũng trong khoảng thời gian này, lượng vàng miếng xuất sang các ngân hàng Thụy Sĩ trung bình khoảng 1 tấn mỗi năm, tối đa đạt 20 tấn một năm trong giai đoạn 2007 - 2009. Lượng vàng gửi tiết kiệm tại các ngân hàng Việt Nam khoảng 100 tấn.
Huy động vàng trong dân vẫn chưa có lời đáp. Ảnh:Lệ Chi.
Như vậy, khoảng 400 tấn vàng còn lại vẫn được nắm giữ rải rác trong dân. Nếu quy đổi ngang giá 1.700 USD một ounce thì lượng vàng này tương đương 22 tỷ USD, xấp xỉ dự trữ ngoại hối hiện có.
Theo ông Hùng, nếu huy động được khoảng một nửa số vàng trong dân này thì ít nhất cũng có 10 tỷ USD đưa vào nền kinh tế. Tuy nhiên, muốn làm được điều này, cần phải đảm bảo yếu tố ổn định cả về mặt chính sách vĩ mô lẫn điều kiện thực thi nhất quán, trên cơ sở cân đối giữa lợi ích của Nhà nước, tổ chức đầu tư, kinh doanh vàng cũng như người dân.
Về phương thức huy động, ông Hùng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên đứng ra phát hành chứng chỉ huy động vàng thì người dân mới tin tưởng. Tuy nhiên, vì Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý nên không trực tiếp đứng ra làm mà có thể ủy quyền cho các ngân hàng thương mại thực hiện dưới vai trò đại lý phát hành chứng chỉ và được hưởng chiết khấu hoa hồng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cũng tán đồng việc phát hành chứng chỉ vàng. Tuy nhiên, trước mắt, ông Long cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên gia hạn thêm ngày chấm dứt việc huy động vàng của ngân hàng thương mại để giảm bớt áp lực lên giá cả thị trường.
Sau đó, cơ quan này có thể xem xét khả năng đứng ra nhập khẩu vàng để giải quyết thanh khoản cho các nhà băng, xem đây là cơ hội cuối cùng để các ngân hàng giải quyết dứt điểm những tồn tại về vàng.
Khi đã ổn định trạng thái vàng của các nhà băng, Ngân hàng Nhà nước mới nên nghiên cứu thực hiện chủ trương tiếp tục huy động vàng trong dân. Lần này không để các nhà băng kinh doanh nữa mà Ngân hàng trung ương sẽ phát hành chứng chỉ vàng dài hạn để gom vàng về. Số vàng này dùng làm tài sản thế chấp các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nước ngoài vay ngoại tệ với lãi suất hợp lý đem về phục vụ các dự án phát triển kinh tế xã hội.