Vụ một sinh viên đại học mở cửa thoát hiểm hôm 6/11 vừa qua khiến dư luận dấy lên những lo ngại về ý thức chấp hành quy định của hành khách đi máy bay.
Cửa thoát hiểm máy bay không phải cứ ấn nút là mở. Ảnh:VNA
Tuy nhiên, theo một lãnh đạo của Cục Hàng không Việt Nam, cửa thoát hiểm trên máy bay không dễ dàng mở như người ta vẫn tưởng tượng rằng chỉ cần ấn nút "open" là có thể bung. "Tất cả các trường hợp mà chúng tôi xử lý đều là sự cố tình từ phía hành khách. Cửa thoát hiểm có chốt chắc chắn và phải qua vài công đoạn khác mới có thể mở cửa", ông nói.
Ông cho hay, tại cửa thoát hiểm, các hãng vận chuyển đều có bảng chỉ dẫn rõ ràng và có phần lưu ý chỉ mở cửa trong trường hợp khẩn cấp. Bình thường cửa này được chốt chắc chắn, không dễ dàng mở được, trừ khi khách cố tình kéo nút, gạt cần chốt.
"Tôi thấy khi khách bị xử phạt, tất cả đều có chung lời khai là thấy nút open tưởng cửa sổ thì bấm nút mở. Thực tế không như vậy, ngay cả khi cửa ở trạng thái có thể mở được thì hành khách cũng phải dùng một lực đủ mạnh mới làm cho cửa mở", ông nói.
Với bất kỳ các sự cố nhỏ nào, chuyến bay cũng có thể bị trì hoãn vì an toàn của hành khách. Phi hành đoàn phải hoãn bay lại để bộ phận kỹ thuật kiểm tra và xử lý. "Chúng tôi từng tốn cả vài chục nghìn USD để xử lý cho sự cố hành khách mở cửa thoát hiểm. Trong khi các mức xử phạt hiện hành chỉ dừng ở khung 15-20 triệu đồng", ông nói.
Một chuyên gia hàng không nhìn nhận hầu hết các hãng vận chuyển hiện nay đều áp dụng quy trình hướng dẫn theo đúng thông lệ quốc tế. "Dù vậy, bản thân các hãng cũng cần phải đặt vấn đề rằng: Tại sao có hướng dẫn rồi, hành khách vẫn vi phạm. Cửa thoát hiểm không dễ mở nhưng nó vẫn bung ra. Bất luận khách vô tình hay cố ý thì nhà vận chuyển vẫn cần phải rút kinh nghiệm, xem xét cách thức tuyên truyền, hướng dẫn của mình đã thực sự tốt chưa", vị chuyên gia này nói.
Theo VNE