Tập đoàn: Những gánh nặng
Theo Bộ Xây dựng, tại thời điểm 31/12/2011, vốn chủ sở hữu của Sông Đà mới đạt 6.636 tỷ đồng, tương đương 316 triệu USD; vốn chủ sở hữu của HUD đạt 5.972 tỷ đồng, tương đương 284 triệu USD. Về doanh thu, năm 2011, doanh thu của Tập đoàn Sông Đà đạt 46.278 tỷ đồng trong khi tập đoàn HUD đạt 34.410 tỷ đồng.
Trong báo cáo mới nhất gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng nhận định, sau hơn 2 năm thí điểm thành lập mô hình tổ chức mới, do hình thành trên cơ sở liên kết hành chính nhiều tổng công ty hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con nên dẫn đến rất nhiều bất cập.
Trước khi quyết định nói trên được ban hành, tín hiệu về việc một số tập đoàn có thể bị giải tán đã được phát đi. Về mặt chính thức, tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, kế hoạch chỉ giữ lại 5-7 tập đoàn đã được công bố, song ít người tin rằng quyết định giải tán hai tập đoàn xây dựng lại được đưa ra nhanh như vậy.
Tại Diễn đàn kinh tế mùa thu tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, ông Trần Đình Thiên đã nói rằng đánh giá một cách khách quan và theo chuẩn mực quốc tế, các tập đoàn đang bị treo bên bờ vực phá sản, thậm chí, như một số chuyên gia đánh giá là "đã bị phá sản về mặt kỹ thuật".
Những tập đoàn như Vinacomin, Vinaconex hay EVN, theo ông Thiên, tuy chưa gặp "sự cố" trầm trọng như kiểu Vinashin, nhưng tất cả cũng đang phải vật lộn với nợ nần, giá cả và lãi suất.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến tháng 9/2011, dư nợ vay ngân hàng của các doanh nghiệp nhà nước là 415.347 tỷ đồng, trong đó hơn một nửa số nợ tập trung vào 12 tập đoàn kinh tế nhà nước (218.738 tỷ).
Bốn tập đoàn nợ lớn nhất là PetroVietnam (72.300 tỷ), EVN (62.800 tỷ), Vinacomin (20.500 tỷ) và Vinashin (19.600 tỷ). Có đến 30/85 tập đoàn và tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao hơn 3 lần.
Đặc biệt có 7 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ này trên 10 lần Tập đoàn Sông Đà, TCT Xây dựng CTGT 1, TCT Xây dựng CTGT 5, TCT Xây dựng CTGT 8, TCT Xăng dầu Quân đội, TCT Thành An và TCT Phát triển đường cao tốc.
Cơ hội tái cơ cấu
Thậm chí, trong một báo cáo của Ủy ban kinh tế ngân sách Quốc hội vừa được công bố trong tháng 9/2012, có tựa đề "Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu" đã nhận định rằng phương thức quản lý các tập đoàn hiện nay cần được thay đổi một cách căn bản. Các tập đoàn và tổng công ty nhà nước phải được quản lý chặt chẽ theo luật pháp, dưới sự giám sát của các Ủy ban của Quốc hội.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc giải tán những tập đoàn không hiệu quả là cần thiết, nhưng cần đặt nó trong bối cảnh tổng thể của công cuộc tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước nói chung, để tránh chuyện trở về bình cũ nhưng rượu lại không mới.
Đây chính là thời điểm cần xác định rõ các căn cứ, tiêu chí và định hướng ổn định, dài hạn về thành lập, duy trì và hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, không cho phép đầu tư ra ngoài những lĩnh vực sản xuất kinh doanh đã được Chính phủ cho phép.
Bên cạnh đó, cần làm rõ vai trò và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước và chức năng quản lý nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường, theo đó quản lý nhà nước là thuộc chức năng công quyền, còn quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc chức năng kinh doanh, là thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu tại doanh nghiệp.
Thứ hai, cần tách toàn diện, triệt để và hình thành một cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước, có thể gọi là Cơ quan quản lý và giám sát quyền chủ sở hữu nhà nước dưới hình thức Ủy ban (hoặc Bộ). Cơ quan này thực hiện chức năng chủ sở hữu đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn ở các bộ và tỉnh thành. Đây là cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu; có bộ máy và cán bộ chuyên trách và chuyên nghiệp; độc lập với cơ quan quản lý hành chính nhà nước.
Báo cáo của Ủy ban kinh tế quốc hội cũng cho rằng đây là thời điểm cần đổi mới tư duy, thực hiện cải cách thể chế một cách hệ thống, cơ bản theo hướng quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm giải trình về sử dụng vốn, tài sản nhà nước về những quyết định đã được ban hành và được thực hiện.