Giá gas liên tục leo thang khiến nhiều gia đình tăng cường tiết kiệm nhiên liệu đốt. Ảnh:W.P.
Chị Ngà (quận 10, TP HCM) cho biết, ra Tết gọi điện đến đại lý nhờ đổi bình gas mới, chị mới "té ngửa" khi được nhân viên cửa hàng thông báo giá bình 12kg nhà chị vẫn dùng đã tăng thêm 70.000 đồng so với lần đổi trước.
Cư dân mạng đã chia sẻ về kinh nghiệm trong việc sử dụng gas tiết kiệm như:
1. Chỉnh ngọn lửa vừa phải: Chỉ cần vặn ngọn lửa cháy bám quanh đáy nồi là đủ. "Ngọn lửa quá lớn vừa tốn gas mà món ăn của bạn lại lâu chín bởi lượng nhiệt thay vì tập trung vào đáy nồi lại bị phân tán ra xung quanh. Khi cần lửa to, chỉ cần vặn nhẹ ngọn lửa vừa xanh là được. Khi xào, hấp bánh mới nên để lửa to còn nấu canh chỉ nên để lửa vừa; rim hoặc kho cần vặn lửa nhỏ hết cỡ...".
2. Tập trung nấu đồ ăn cùng một lúc để không phải bật tắt bếp nhiều lần: Cần chuẩn bị sẵn nguyên liệu nấu, rửa sạch, xắt thực phẩm, tẩm ướp, rửa nồi niêu xong rồi hãy bật gas. Đừng để thời gian lửa cháy rỗi.
3. Dùng vòng kim loại chụp lên mặt bếp sẽ tiết kiệm 5% gas.
4. Thường xuyên chùi rửa bếp gas: Mỗi ngày sau khi nấu, bạn nên chùi rửa bếp gas, để những cáu bẩn không đọng lại làm bít các lỗ khí (đường dẫn gas). Nếu không chùi rửa thường xuyên, lỗ khí sẽ dễ bị bít khiến một phần gas thất thoát ra ngoài, lâu ngày ngọn lửa sẽ nhỏ dần. Điều này giải thích vì sao những chiếc bếp gas mới mua về thường ít hao gas hơn bếp cũ.
5. Khóa bình gas mỗi khi không nấu nữa: bạn nên vặn nút đánh lửa về vị trí tắt (OFF) và hãy khóa bình gas, vừa an toàn lại có thể giúp bạn tiết kiệm được một lượng gas nhỏ thoát ra ngoài.
6. Dùng nồi nấu với độ dày phù hợp: Những chiếc nồi phù hợp cũng giúp bạn tiết kiệm được một lượng gas đáng kể, bởi nồi dày thường phải tốn thêm thời gian đốt nóng lâu hơn. Vì thế nên sử dụng những loại nồi có đáy mỏng cho các món xào nấu, nồi áp suất cho các món hầm.
VnExpress