Trao đổi bên hành lang kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, đại biểu Nguyễn Hữu Quang - Ủy viên thường trực UB Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng việc đưa số lỗ hơn 10.000 tỉ đồng của EVN sẽ được hạch toán vào giá điện là chưa có cơ sở.
Ông Quang băn khoăn: Tại sao ngành điện lại đưa con số lỗ hơn 10.000 tỉ đồng vào giá bán điện năm 2012 bởi đó là số lỗ lũy kế trên sổ sách của họ.
- Nghĩa là ông tán thành với quan điểm của Bộ Tài chính?
Tôi tán thành với Bộ Tài chính là những khoản chi phí không phục vụ hình thành sản phẩm nhà nước độc quyền thì phải tách ra để làm sao khi tăng giá điện có con số thuyết phục đối với người dân.
Lâu nay người dân vẫn nghi ngờ và người ta có quyền nghi ngờ về giá điện.
Đây mới chỉ là đề nghị của riêng Bộ Công Thương và EVN, nhưng tôi nghĩ Chính phủ cũng sẽ phải thận trọng.
- Nhiều người cho rằng, tỉ lệ thất thoát, lãng phí qua hàng loạt khâu như mua công nghệ, lựa chọn nhà thầu... cũng có thể là một trong những yếu tố góp phần đẩy giá điện mà người dân và DN phải chịu?
Thất thoát, lãng phí có nhiều nguyên nhân, trong đó đặc biệt là cách quản lý.
Về nguyên tắc không thể bắt người dân phải chịu thất thoát do quản lý yếu kém. Tất nhiên, đánh giá việc thất thoát lãng phí không phải đơn giản. Nhưng ở những vấn đề cụ thể thì cần phải có giải pháp cụ thể. Ví dụ, như thất thoát điện năng thì cần phải quy định mức trần về tỉ lệ thất thoát. Nếu vượt quá thì ngành điện sẽ phải tự chịu trách nhiệm chứ không thể “đánh bùn sang ao” được.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Phan Nam
Diễn đàn doanh nghiệp