Do đập thuỷ điện thiết kế không có cửa xả đáy, nên nước lũ tràn về vẫn tích tự nhiên ở hồ chứa đến cao trình 161m (tương đương khoảng hơn 500 triệu m3) mới chảy qua cửa tràn về hạ lưu.
Máy quan trắc động đất... im lặng!
Mặc dù viện Vật lý địa cầu đã đưa vào sử dụng trạm quan trắc động đất ở khu vực thuỷ điện Sông Tranh 2 vào ngày 19.10, nhưng vì đầu tư chưa đồng bộ, nên trạm này vẫn chưa thể cập nhật thông tin theo đường truyền internet. Do vậy, ngày 23.10, viện Vật lý địa cầu phải cử cán bộ từ Hà Nội khẩn cấp vào trạm quan trắc động đất này ở huyện Bắc Trà My để cập nhật số liệu, xử lý thông tin về trận động đất xảy ra vào đêm 22.10.
Theo các chuyên gia, nếu hệ thống năm trạm quan trắc động đất ở khu vực thuỷ điện Sông Tranh 2 và những địa phương lân cận đi vào hoạt động, thì chỉ mất khoảng 10 – 15 phút sau khi xảy ra động đất, sẽ biết chính xác thông tin của trận động đất. Còn hiện tại, để phân tích, xử lý thông tin về động đất, phải mất nhiều thời gian, sớm nhất khoảng hai giờ sau khi trận động đất xảy ra ở nơi đây.
Do đó, ông Trần Anh Tuấn, phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nói: “Trạm quan trắc động đất đã đưa vào hoạt động, thế nhưng, khi động đất xảy ra đến hơn hai giờ sau, chúng tôi hỏi khắp nơi vẫn chưa biết thông tin gì”.
PGS.TS Cao Đình Triều, chuyên gia viện Vật lý địa cầu đề xuất, trong khi chờ đợi hệ thống năm trạm quan trắc động đất được lắp đặt đồng bộ, đưa vào hoạt động, viện Vật lý địa cầu cần cử cán bộ túc trực thường xuyên ở hiện trường để phân tích, xử lý dữ liệu để sớm thông tin về động đất đến chính quyền và người dân nơi đây.
GS.TS Vũ Trọng Hồng, chủ tịch hiệp hội Thuỷ lợi Việt Nam cho biết: “Trên thế giới, chưa có nơi nào một ngày mà xảy ra đến bảy trận động đất như ở Sông Tranh 2. Động đất nơi đây diễn biến phức tạp với cường độ ngày càng mạnh là điều rất đáng lo ngại”.
Công trình vẫn tích nước để phát điện
Chính quyền địa phương lẫn người dân Quảng Nam đang lo ngại tình trạng nước lũ tràn về tích ở hồ chứa của thuỷ điện Sông Tranh 2 gây động đất kích thích dày đặc. Điều này đã đi ngược với chỉ đạo của Chính phủ chưa cho phép tích nước ở công trình này.
Ông Ngô Văn Minh, đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Nam đặt vấn đề: thuỷ điện Sông Tranh 2 không có hệ thống xả đáy, nên công trình vẫn tiếp tục tích nước theo tự nhiên, như vậy bằng biện pháp nào để có thể xả nước nhằm bảo đảm an toàn của công trình?
“Công trình đang tích nước ở cao trình 161m để chạy hai tổ máy, chứ không phải ở mực nước chết 140m. Hiện nay, chủ đầu tư công trình vẫn chưa có phương án bồi thường thiệt hại cho dân do ảnh hưởng của các trận động đất kích thích là điều khó chấp nhận được”, ông Minh bức xúc.
Mặc dù gặp sự cố rò rỉ nước qua thân đập chính và các trận động đất liên tục xảy ra, thế nhưng, từ đầu năm đến nay, nhà máy thuỷ điện Sông Tranh 2 phát điện với 2/3 công suất – khoảng 60MW.
Trước tình hình này, tỉnh Quảng Nam đề nghị tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng cường công tác kiểm tra, quan trắc đập thuỷ điện Sông Tranh 2 ở chế độ đặc biệt, quan trắc lưu lượng thấm, mỗi ngày từ 2 – 3 lần trong điều kiện thời tiết bình thường, khi có mưa lũ, số lần quan trắc phải tăng lên; lập biểu đồ quan sát lưu lượng thấm với mức gia tăng mực nước hồ để giám sát diễn biến thấm.