Đặc biệt, các doanh nhân Việt Nam rất hào hứng trước sự nhiệt tình hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Myanmar, Phòng Thương mại và Công nghiệp Myanmar (UMFCCI).
Theo thông tin từ Ngài Chu Công Phùng, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Myanmar cho biết, Chính phủ Myanmar hiện đang mở cửa kêu gọi các doanh nghiệp quốc tế đầu tư, kinh doanh tại đất nước này.
Từng là thuộc địa của nước Anh, và trải qua gần năm thập kỷ do chính quyền quân đội quản lý, người dân Myanmar kế thừa nhận thức tuân thủ các quy định pháp luật và có tinh thần kỷ luật tốt. Chính vì vậy, trong quá trình thảo luận hoặc đàm phán kinh doanh, các doanh nghiệp từ cả hai quốc gia cố gắng làm rõ mọi vấn đề và tuyệt đối tôn trọng những gì đã cam kết.
“Hiện tại, một số doanh nghiệp Việt Nam đang tiến hành hoàn tất thủ tục hành chính để đầu tư vào Myanmar. Đây là cơ hội rất tốt vì những doanh nghiệp tới sớm chắc chắn sẽ nhận được nhiều ưu đãi từ Chính phủ nước bạn. Đại sứ quán Việt Nam sẽ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tìm kiếm thông tin, thực hiện các thủ tục hành chính” – Đại sứ Chu Công Phùng chia sẻ.
Ông Trần Phước Anh (trái), Tham tán Đại sứ quán Việt Nam kết nối giao lưu giữa doanh nghiệp Việt Nam và Myanmar
Đồng quan điểm với Đại sứ quán Việt Nam, ông Trần Tiến Đông, Phó Trưởng Đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vui mừng thông báo hiện tại đã có một số doanh nghiệp Việt được cấp phép đầu tư, bản thân văn phòng đại diện BIDV đã hoạt động từ 2 năm nay tại tỉnh Yangon, Myanmar. BIDV cùng với Tập đoàn Viễn thông Quân Đội (Viettel), Hoàng Anh Gia Lai... là những doanh nghiệp đầu tiên đầu tư sang Myanmar.
Đoàn doanh nhân Việt Nam chụp hình lưu niệm tại Đại sứ Quán Việt Nam tại Myanmar.
Sau khi tìm hiểu rất nhiều thông
tin về đất nước, con người, tình hình kinh tế xã hội của Myanmar, ông
Đoàn Thành Đạt, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang
(TICO), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tiền Giang khẳng định sẽ nghiên
cứu kỹ lưỡng và sớm có kế hoạch đầu tư vào Myanmar.
“Chúng tôi quan tâm đến lĩnh vực xây dựng, đầu tư các công trình thủy lợi và mong muốn được Đại sứ quán Việt Nam tạo điều kiện để thực hiện thủ tục đầu tư một cách nhanh chóng” – ông Đạt kiến nghị.
Ông Lê Minh Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Chính Việt, một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hàng giày thời trang cho phụ nữ và trẻ em thì rất vui mừng khi ngay tại buổi Hội thảo do Phòng Thương mại & Công nghiệp Myanmar (UMFCCI) tổ chức tại tỉnh Yangon, nhiều đối tác đã tỏ ra quan tâm đến mặt hàng giày dép sản xuất từ Việt Nam.
Hiện nay, tại Myanmar có gần 30.000 công ty đã được đăng ký, hầu hết đều có quy mô nhỏ và vừa.
Hai phần ba số công ty là thành viên của Phòng Thương mại & Công nghiệp Myanmar (UMFCCI). “Tại đất nước này, Chính phủ đang mở rộng kêu gọi đầu tư và sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt đối với các lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng. Tôi khuyến khích các công ty từ cả hai phía tích cực tham gia thảo luận, tìm kiếm đối tác kinh doanh, và tìm ra các giải pháp hợp tác với nhau trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều vấn đề cần trao đổi với những người bạn Myanmar. Dù cho có bất kỳ khó khăn nào, Đại sứ quán luôn sẵn sàng giúp đỡ các doanh nghiệp” - ông Trần Phước Anh, Tham Tán, Phó Trưởng cơ quan đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar chân tình kêu gọi các doanh nhân Việt Nam.
Có thể nói, Myanmar hiện là một trong những quốc gia rất tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt đầu tư và đất nước này cũng đang mở ra một thời cơ mới cho hàng hóa thương hiệu Việt có thể xâm nhập vào.