Theo công bố năm 2008 của tạp chí Forbes, ông chủ của đế chế Quinn Group từng đứng đầu danh sách các đại gia lắm tiền nhiều của của Ireland. Với số tài sản sở hữu lên tới 5 tỷ USD, thời điểm đó, Quinn đứng thứ 164 trong bảng tổng sắp thế giới.
Với tài lực lớn, Quinn Group của ông đã đầu tư vào mọi ngõ ngách của đời sống kinh tế, từ khách sạn, bảo hiểm, ngân hàng cho tới sản xuất. Tên ông có thể thấy có bất cứ nơi nào trên xứ sở Ireland, từ biển hiệu khách sạn, cho tới thành xe tải.
Tuy nhiên, đúng vào thời điểm cao trào sốt địa ốc ở Ireland, Quinn đã bắt đầu vay tiền của ngân hàng Ireland – Anglo Irish Bank và cầm cố tài sản tại Quinn Group để đầu tư và mua 28% cổ phần thiểu số của nhà băng này.
Cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 nổ ra đã kéo hàng loạt đại gia tài chính trong đó có Quinn vào hiểm cảnh. Giá cổ phiếu của Anglo Irish Bank trượt mạnh và Quinn mất gần 3 tỷ USD, trong khi đống nợ ngân hàng trị giá 4 tỷ USD chưa được thanh toán.
Do thua lỗ quá nặng trong cuộc khủng hoảng địa ốc, vào năm 2009, Chính phủ Ireland đã phải tiến hành quốc hữu hóa ngân hàng Anglo Irish Bank và khoản nợ của tỷ phú Quinn cũng chuyển sang chủ mới.
Các hoạt động kinh doanh của tỷ phú này lần hồi sụp đổ vào năm 2010. Giữa tháng 4 năm nay, ngân hàng Anglo Irish Bank đã tịch thu đế chế Quinn Group để trừ nợ. Những công ty con như nhà máy sản xuất thủy tinh, bộ tản nhiệt… cũng bị tịch thu.
Anglo Irish Bank đã chỉ định ông Kieran Wallace thuộc Tập đoàn kế toán - kiểm toán KPMG đứng ra tiếp nhận tài sản, cổ phần của Sean Quinn và gia đình trong Quin Group.
Sau một thời gian dài chìm trong nợ nần, các tài sản bị niêm phong, Sean Quinn đã buộc phải nộp đơn phá sản lên Tòa Thượng thẩm ở Belfast, Bắc Ireland, nhằm tránh bị truy xuất các khoản nợ tại Ireland tới các hoạt động làm ăn ở Anh.
Trong một tuyên bố về việc phá sản, Quinn cho biết ông rất “buồn và hối tiếc” khi phải đưa ra quyết định này. Ông cũng chỉ trích Anglo Irish Bank và Chính phủ Ireland đã khiến đế chế của gia đình ông rơi vào cảnh sụp đổ.
Theo đó, Quinn sẽ phải chịu một năm hạn chế kinh doanh, do Bắc Ireland nằm dưới sự điều chỉnh luật của Anh quốc, thay vì 12 năm như theo quy định của pháp luật Ireland. Như vậy, từ một tỷ phú làm nên từ hai bàn tay trắng, giờ Quinn lại trắng tay.
Ra đời trong một gia đình nông dân nghèo, Quinn rời trường học năm 15 tuổi và bắt đầu buôn bán nhỏ trên chính trang trại của gia đình rồi từ từ giàu lên. Nhờ chịu khó làm ăn và may mắn, ông đã dần gây dựng nên cơ nghiệp và thành lập Quinn Group.
Quin Group hoạt động trong nhiều lĩnh vực như kinh doanh bất động sản, bảo hiểm, sản xuất vật liệu xây dựng… và đã vươn xa ra bên ngoài, khi đầu tư vào nhà máy ở Anh, Bỉ, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Cộng hoà Séc, Slovakia…
Để có được một cơ ngơi như tập đoàn Quinn, tỷ phú 63 tuổi này đã phải dành hơn 40 năm dựng nghiệp và phát triển. Quinn Group hiện có khoảng 2.700 nhân viên, trong đó có 1.000 người ở Ireland, số còn lại ở Anh và các quốc gia châu Âu khác.
Trong mắt người dân Ireland, Sean Quinn là hiện thân cho một tấm gương về tài năng, một tỷ phú làm nên sự nghiệm chỉ dựa vào đôi bàn tay. Cho nên, việc ông phải phá sản là sự bất ngờ của không chỉ nhân viên trong Quinn Group mà cả người dân Ireland.
Nhiều người quen biết ông đều có chung nhận xét, Sean Quinn là người có lối sống khá bình dân, giản dị. Một vài bạn bè cũ của ông kể lại, vào tối thứ ba hàng tuần, họ lại cùng với Sean Quin đánh bài vui vẻ, người thắng nhiều nhất cũng chỉ có 10 bảng Anh.
Theo VNeconomy