Là thành viên thứ 2 của Chính phủ trả lời chất vấn tại Thường vụ Quốc hội kỳ này, phần hỏi đáp dành cho ông Nguyễn Văn Bình được đặc biệt quan tâm bởi những câu chuyện nóng hổi của ngành hàng trong suốt thời gian qua.
Nội dung dự kiến chỉ là nợ xấu và kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng, tuy nhiên ngay đầu phiên chất vấn, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) đặt câu hỏi thẳng vào vụ ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt tối qua.
"Tôi thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay, có biểu hiện thao túng thị trường tín dụng, vi phạm pháp luật với một số hành vi như cố ý làm trái pháp luật, kinh doanh trái phép. Ông Nguyễn Đức Kiên ngoài ra còn là một trong những cổ đông chính của nhiều ngân hàng thương mại lớn như ACB, Eximbank, DaiA và KienLong. Việc này gây ra hệ quả rất xấu. Việc thao túng thị trường tín dụng của một số ngân hàng cổ phần trong thời gian qua, cố ý làm trái như vậy, Thống đốc nắm được không? Nếu nắm được có biện pháp gì xử lý?", ông Đương nói.
Ông đề nghị Thống đốc phải có kế sách gì để ngăn ngừa, xử lý việc này.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Ảnh:Nhật Minh
Sau câu hỏi của 3 đại biểu đầu tiên, Thống đốc bắt đầu giải trình nhưng tập trung giải thích tại sao có nhiều số liệu khác nhau về nợ xấu của các ngân hàng. Riêng vấn đề bắt bầu Kiên, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Viện Kiểm sát sẽ trả lời bằng văn bản.
Giải đáp được chờ đợi nhất từ Thống đốc trong phiên chất vấn này chính là con số nợ xấu “chính thức” của các ngân hàng Việt Nam. Trước đó, số liệu tổng hợp từ các nhà băng là hơn 117.700 tỷ (khoảng 4,47% dự nợ) nhưng số liệu của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước lại lên tới 202.000 tỷ đồng (tương đương 8,6%). Phát biểu tại Quốc hội hồi tháng 3, bản thân Thống đốc Bình còn khẳng định nợ xấu toàn ngành khoảng 10%.
Tại báo cáo giải trình gửi Thường vụ Quốc hội trước phiên chất vấn, Thống đốc thừa nhận nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng nhanh từ năm 2008 tới nay. Ông cũng cho biết nguyên nhân dẫn tới những con số khác nhau về nợ xấu là tình trạng phân loại nợ, ghi nhận nợ xấu trong báo cáo tài chính thấp hơn thực tế để giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Ngoài ra, còn phải nhắc đến việc một số ngân hàng điều hành tín dụng bất cập, năng lực thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước trong một thời gian dài còn hạn chế, để nợ xấu tăng cao.
Tuy nhiên, vấn đề này một lần nữa được các đại biểu Quốc hội chất vấn trong phiên làm việc chiều nay…
Còn đối với vấn đề ông Nguyễn Đức Kiên, thống đốc cho rằng ông Kiên
không tham gia vào
hội đồng quản trị của ngân hàng nên việc ông bị bắt không có liên quan
gì đến ngân hàng
ACB. “Ông
Nguyễn Đức Kiên là nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên sáng lập
ACB. Đây là hội đồng do ngân hàng tự thành lập, còn theo Luật các TCTD
Việt Nam thì trong cơ cấu tổ chức của NHTM cổ phần không có tổ chức này.
Luật các TCTD Việt Nam cho phép các TCTD có Hội đồng quản trị và Ban
điều hành. Đến giờ phút này, ông Kiên không tham gia vào Hội đông quản
trị cũng như Ban điều hành của NH này. Do vậy, với địa vị công tác của
ông Kiên thì không liên quan gì đến ACB”, Thống đốc nói.
Mặc dù vậy, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, NHNN cũng có lỗi khi để Hội đồng thành viên sáng lập tại ACB tồn tại lâu như vậy mà không có trong quy định của luật pháp.
Để trấn an tinh thần người dân, Thống đốc cho biết thêm, Ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo ngân hàng các cấp có những biện pháp hỗ trợ ngân hàng ACB cũng như các tổ chứ tín dụng khác nếu có vấn đề người dân kéo đến trụ sở của ngân hàng rút tiền ồ ạt.