Mục tiêu là để thay thế cảng Bến Nghé, giải quyết ách tắc giao thông do việc vận chuyển hàng hóa không qua khu vực nội đô TP HCM, góp phần tăng trưởng kinh tế của thành phố và giải quyết công ăn việc làm cho 560 lao động.
Những cần cẩu dùng để bóc dở hàng đang phải nằm phơi mưa, phơi nắng ở cảng quốc tế Phú Hữu
Đến thời điểm hiện nay, Phú Hữu cơ bản đã xây dựng hoàn chỉnh với hệ thống cầu cảng dạng bến nhô dài 320 m, rộng 33 m, 3 cần cẩu loại lớn cùng một số hạng mục như kè đá bảo vệ, đường nội bộ, bãi container, bãi hàng tổng hợp, nhà văn phòng, nhà kho, nhà xưởng trên diện tích 24 ha… Cảng có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 30.000 DWT, công suất 3 triệu tấn hàng/năm. Nơi này cũng đã được Bộ Giao thông vận tải công bố là cảng biển quốc tế và cho phép hoạt động từ tháng 7/2010.
Tuy nhiên, dẫn vào cảng Phú Hữu hiện là một con đường mòn cát trắng, 2 bên cỏ mọc ùm tùm chỉ có trâu bò ăn cỏ, thỉnh thoảng mới có vài chiếc xe chạy qua. Bên trong, toàn bộ nhà xưởng, cầu cảng, cần cầu đang bị bỏ hoang, nhiều chỗ bị xuống cấp. Cả khu đất rộng 24 ha vắng ngắt, không có một hoạt động nào.
Dẫn vào cảng hiện là một đường mòn nhỏ ngoằn ngoèo toàn cát trắng, 2 bên cỏ mọc um tùm
Ông Nguyễn Trọng Cừu, Tổng giám đốc công ty cảng Bến Nghé cho biết dù rất xót vì cảng nằm phơi mưa phơi nắng nhưng không thể làm gì hơn vì hiện nay cảng không có đường dẫn để container ra vào.
Theo ông Cừu, vì không có tàu bè ra vào, lại đến thời điểm trả nợ vay và phải khấu hao tài sản nên mỗi năm, Bến Nghé phải bỏ ra gần 40 tỷ đồng cho cảng Phú Hữu.
Đánh giá việc cảng Phú Hữu phải bỏ hoang hơn 2 năm qua do không có đường dẫn, ông Nguyễn Tấn Tuyến, phó Ban kinh tế - ngân sách HĐND thành phố cho rằng đây là một sự lãng phí vì không đồng bộ giữa xây dựng cảng với hệ thống đường giao thông. Như vậy, trong lúc đợi cho đến khi các đường nối vào cảng hoàn thành, cảng quốc tế Phú Hữu sẽ tiếp tục chịu cảnh nằm phơi nắng để chờ đường.