Chuyện lỗ, lãi
Để lọt vào công trình trọng điểm quốc gia này, chúng tôi phải qua đủ thủ tục giấy tờ, trạm kiểm soát còn hơn cả an ninh sân bay; từ khu văn phòng, để vào khu sản xuất còn khó khăn hơn.
Tổng GĐ Cty TNHH Lọc hoá Dầu Bình Sơn (đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất) Nguyễn Hoài Giang thẳng thắn với chúng tôi về những vấn đề đang được dư luận cả nước quan tâm như chuyện lãi lỗ, lỗi kỹ thuật, bán cổ phần...
Về lỗ lãi, tuy không tiết lộ con số lỗ cụ thể nhưng ông Giang không ngần ngại thừa nhận nhà máy đang bị lỗ, và phía sau còn những chuyện cần nói rõ.
Ngoài khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá (mua bằng ngoại tệ, bán dầu thu tiền đồng), ông Giang giải thích rõ nhà máy được thiết kế để dùng nguồn dầu từ mỏ Bạch Hổ, loại dầu thô có chất lượng được đánh giá hàng đầu thế giới hiện nay.
“Có tới 92% chi phí sản xuất là tiền mua dầu thô Bạch Hổ. Trong cuộc chơi sòng phẳng, nhà máy mua dầu từ mỏ Bạch Hổ bằng giá họ bán cho nước ngoài. Các chi phí còn lại bao gồm lương công nhân, thuế... chỉ chiếm 8%”, ông Giang nói.
Đề cập giải pháp tránh lỗ, ông Giang nói đến việc nâng cấp, mở rộng nhà máy, cải tiến công nghệ để có thể lọc được các nguồn dầu giá rẻ từ Trung Đông, Nam Mỹ, Nga...(giá rẻ có lúc chỉ bằng 2/3 so với dầu Bạch Hổ) và phát triển thêm nhiều sản phẩm khác từ dầu thô.
Theo ông Giang, lọc dầu chỉ là bước đi đầu tiên của nhà máy, muốn làm ăn hiệu quả hơn chỉ còn cách thực hiện bước thứ hai là hoá dầu (sản xuất ra các loại nhựa như polimer, xơ sợi nhân tạo...).
Ước tính để thực hiện bước này, nhà máy cần thêm 2-3 tỷ USD. Đây cũng là lý do dẫn đến việc nhà máy muốn chào bán 49% cổ phần cho một số đối tác nước ngoài khiến dư luận quan tâm.
Chuyện các lỗi kỹ thuật, ông Giang và một số chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại nhà máy khẳng định, với một nhà máy lọc dầu non trẻ, hệ thống máy móc khổng lồ, phức tạp như Dung Quất, lỗi kỹ thuật là không thể tránh khỏi; đây cũng là tình trạng chung của không ít nhà máy lọc dầu hiện đại khác trên thế giới.
"Nhà máy với hàng triệu thiết bị như Dung Quất thì việc xảy ra lỗi kỹ thuật là bình thường, dư luận không phải lo lắng về điều đó”, ông Giang nói.
Vào nhà máy phải đi bộ hoặc bằng xe đạp để đảm bảo an toàn.
Nhà máy của những người trẻ
Để thuyết phục những gì mình nói, ông Giang đặc cách cho chúng tôi trực tiếp vào thăm những công xưởng khổng lồ trong khu lọc dầu từ khu sản xuất tới trung tâm điều khiển, xử lý tình huống..., nơi lao động phải làm việc 24/24 giờ với 3 ca, 4 kíp.
Tại đây, chúng tôi được biết từ chỗ nhà máy thường xuyên có tới 170 chuyên gia nước ngoài, nay dao động từ 20 - 30 (nhà máy phải trả cho mỗi chuyên gia từ 8.000-30.000 USD/tháng).
Điều đặc biệt, toàn bộ nhà máy với khoảng 1.400 lao động khó có thể tìm được một gương mặt già, già nhất là TGĐ Giang cũng mới 45 tuổi; hầu hết ở tuổi 22 – 30 và đội ngũ trưởng ca, nhóm trở lên cũng đều dưới 35 tuổi.
“Hầu như không có thử thách gì khiến anh em ngạc nhiên nữa. Làm việc ở đây từ lãnh đạo tới cán bộ chủ chốt không có tâm lý nghỉ ngơi. Cả nước lúc nào cũng soi vào. Nếu ai thấy mệt mỏi thì nghỉ hẳn”, ông Giang nói.
Tại nơi này, các kỹ sư trẻ hằng tháng đều “đẻ” ra hàng loạt sáng kiến cải tiến kỹ thuật mang lại nguồn lợi hàng triệu USD. Kỹ sư Nguyễn Trọng Hà (SN 1977) với sáng kiến thu nhiệt từ hơi nước giúp tiết kiệm điện lên tới cả triệu USD/năm.
Lê Hải Tuấn, SN 1982, tốt nghiệp ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, được cử đi tu nghiệp tại Mỹ, Nam Phi và hiện là trưởng ca chịu trách nhiệm quản lý hơn 120 người trẻ khác cả ở công xưởng lẫn trung tâm điều khiển.
Lê Hải Tuấn cho biết, lao động trong nhà máy rất đặc thù, hầu hết tốt nghiệp ĐH, bét nhất cũng CĐ kỹ thuật và trước khi vào làm đều phải trải qua khoá đào tạo chuyên sâu từ 1-2 năm.
Ngay cả với lao động phổ thông (làm những việc thông thường như quét dọn) cũng phải qua đào tạo huấn luyện để có thể đảm bảo an toàn nhà máy, vì chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể gây hậu quả vô cùng lớn.
Phạm Thanh Hương (SN 1984, làm tại phòng kỹ thuật) cho biết hầu hết lao động trong nhà máy đều thành thạo tiếng Anh để làm việc với chuyên gia nước ngoài, điều khiển tốt hệ thống máy móc phức tạp được nhập ngoại.
Khác với nhiều nhà máy khác, các kỹ sư trẻ tại đây luôn phải tập trung cao độ, kỷ luật như quân đội và mỗi khi có sự cố đều phải quyết định nhanh, chính xác.
Ông Andrew Blanche, chuyên gia người Úc, gắn bó với Dung Quất suốt 4 năm qua tâm sự, điều ông ấn tượng nhất là sức trẻ, sự nhanh nhạy, quyết đoán, tinh thần làm việc nhóm của các kỹ sư trẻ Việt Nam.
“Mỗi khi có sự cố, chúng tôi lại xúm vào cùng giải quyết. Các bạn trẻ Việt đang dần làm chủ công nghệ”, ông Blanche nói.
Thủ lĩnh lỳ đòn
Ông Nguyễn Hoài Giang: "Khi nhà máy hắt hơi sổ mũi là có điện thoại từ Trung ương gọi vào ngay.
Tổng GĐ Nguyễn Hoài Giang hầu như ăn ngủ tại nhà máy. Năm 1999, chàng kỹ sư mới 31 tuổi khiến nhiều người ngỡ ngàng khi bất ngờ từ bỏ vị trí và mức lương hậu hĩnh tại mỏ dầu Bạch Hổ, để lại người vợ trẻ vừa mới cưới tại TPHCM để khăn gói ra công trường Dung Quất.
Thấm thoắt đã 13 năm, từ một bãi bồi ven biển, nay với sự xuất hiện nhà máy lọc dầu giúp hình thành cả một khu kinh tế năng động tại dải đất miền Trung.
Thủ lĩnh Giang chia sẻ, suốt 2 năm chạy thử nhà máy, mỗi ngày anh thường chỉ ngủ khoảng 2 tiếng, thường xuyên thót tim vì tiếng chuông điện thoại, thuốc chữa đau đầu uống hàng vốc. Những ai biết Nguyễn Hoài Giang đều lạ vì tính liều và lỳ. Nhiều cái Tết không về nhà là chuyện nhỏ, vợ đẻ nhờ sếp thăm nuôi cũng là thường.
Đỉnh điểm để người ta gọi “Giang liều” là ngày 23-2-2009, khi chạy thử nhà máy để cho ra sản phẩm lọc dầu đầu tiên. Một tuần trước đó, nhà máy còn 10 nghìn điểm lỗi, nhưng đến trước ngày chạy thử dù đã nỗ lực hết sức vẫn còn gần 5.000 điểm lỗi.
Các nhà thầu và những người có trách nhiệm cao cũng không dám chắc nhà máy có chạy nổi. Nhưng ông Giang vẫn cam kết là chạy thử thành công.
“Trực giác mách bảo nếu khởi động nhà máy, xác xuất thành công là 70%”, Nguyễn Hoài Giang nói. Và sản phẩm đầu tiên ra lò đúng hẹn, những điểm lỗi kỹ thuật nhỏ không ảnh hưởng nhiều đến chu trình sản xuất.
Bây giờ, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã tương đối ổn định. Mỗi tháng, Nguyễn Hoài Giang được về thăm vợ con một lần, nhưng điện thoại phải bật 24/24 giờ mỗi ngày. Hàng xóm lại thấy vị TGĐ “lỳ đòn” rửa bát, quét nhà và cõng hai con nhỏ đi chơi.
Tại nhà máy lọc dầu Dung Quất có hơn 70% cán bộ, công nhân người địa phương, đóng góp cho ngân sách nhà nước mỗi năm từ 15 - 17 nghìn tỷ đồng, trong đó gần 1/3 được chia cho tỉnh Quảng Ngãi.