Hàng loạt trường hợp bị hải quan “vịn”
Vừa qua, Cục Hải quan TP.HCM đã tiếp nhận đơn xin cấp phép nhập khẩu 1 ô tô hiệu Lexus sản xuất năm 2012 và 1 chiếc mô tô hiệu BMW sản xuất năm 2011 theo diện tài sản di chuyển của một nữ Việt kiều hồi hương.
Người này đã xuất trình đầy đủ hồ sơ giấy tờ nhưng qua kiểm tra hồ sơ lưu trữ, Cục Hải quan phát hiện năm 2009 đã cấp phép cho chồng của nữ Việt kiều trên nhập 1 ô tô xịn đã qua sử dụng. Gần đây, Cục Hải quan TP.HCM cũng "vịn" lại 4 hồ sơ nhập khẩu ô tô theo diện hồi hương của Việt kiều Mỹ vì không đáp ứng đầy đủ điều kiện.
Cục Hải quan Bình Dương cũng phát hiện một số trường hợp Việt kiều hồi hương nhập khẩu ô tô theo chế độ tài sản di chuyển có nhiều biểu hiện bất thường. Ngày 27.2.2012, ông C. (Việt kiều Mỹ) đã hoàn tất thủ tục nhập khẩu tại Bình Dương và xin nhập khẩu chiếc ô tô hiệu Lexus, 7 chỗ ngồi, sản xuất năm 2011 đã qua sử dụng theo diện tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương.
Kiểm tra hồ sơ, hải quan phát hiện ông C. nhập cảnh vào Việt Nam từ tháng 3.2010 và không trở lại Mỹ thêm lần nào nhưng lại có chứng từ sở hữu ô tô tại Mỹ vào tháng 2.2012. Thêm vào đó, theo quy định ông C. phải đăng ký sở hữu ô tô trước thời điểm hoàn tất thủ tục cấp sổ hộ khẩu thường trú tại Việt Nam là 6 tháng nhưng trong chứng từ ông C. đăng ký ô tô tại Mỹ vào tháng 4.2012 và nhập hộ khẩu tại Việt Nam vào tháng 2.2012.
Hải quan nhiều tỉnh, thành còn phát hiện nhiều trường hợp bất thường khác như: số lượng nhập khẩu ô tô theo diện Việt kiều hồi hương tăng cao đến chóng mặt, các ô tô xin nhập khẩu đều là xe có giá trị cao, xe đời mới và đang được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam, hồ sơ xin nhập khẩu khác nhau nhưng cùng một dòng xe... Có trường hợp người được ủy quyền làm thủ tục là nhân viên đại lý xe ô tô.
Có dấu hiệu mua bán “suất” nhập ô tô
Một cán bộ của Công an TP.HCM cho biết tất cả các trường hợp đã thông quan và đang đề nghị xin nhập khẩu ô tô, mô tô diện Việt kiều hồi hương đều phải kiểm tra xác minh. Do không chỉ Việt kiều có hộ khẩu ở TP.HCM nhập khẩu ô tô về các cảng ở TP.HCM mà nhiều Việt kiều ngụ tỉnh, thành khác cũng nhập khẩu ô tô về một số cảng ở TP.HCM nên công tác điều tra xác minh phải cần có thời gian.
Theo một nguồn tin đáng tin cậy, cơ quan công an đang vào cuộc phanh phui đường dây, tổ chức có dấu hiệu mua bán “suất” của Việt kiều hồi hương với số tiền hàng ngàn đến hàng chục ngàn USD (tùy theo loại xe). Trường hợp hồi hương nhập xe về bán đều có thể qua lại Mỹ sinh sống bình thường mà không ảnh hưởng đến quốc tịch nên nhiều người bán “suất” đó kiếm tiền. Nhiều trường hợp xin hồi hương nhập xe về bán nhưng không ở Việt Nam mà chỉ ở Mỹ.
Thậm chí có trường hợp Việt kiều hồi hương nhập ô tô về nhưng lại không biết mình nhập loại xe gì, giá mua bao nhiêu... trong khi đó theo quy định xe nhập khẩu theo diện này là loại xe mà Việt kiều hồi hương đã được sử dụng đăng ký ít nhất 6 tháng trước khi xin nhập về hoặc xe đã lưu hành hàng ngàn km.
“Theo ghi nhận, lúc cơ quan công an chưa có chỉ đạo vào cuộc điều tra các trường hợp Việt kiều hồi hương nhập xe ô tô, xe mô tô về bán thì nhiều cửa hàng mua bán xe ở đường An Dương Vương, Trần Hưng Đạo, 3 Tháng 2, Phạm Hùng trưng bày các xe đắt tiền được nhập theo diện trên.
Sau khi Bộ Công an chỉ đạo Công an TP.HCM vào cuộc điều tra thì các chủ cửa hàng này đã mang xe đi đâu mất, không dám trưng bày nữa. Đó là hành động bất thường nhưng những chiếc xe trên không dễ dàng bốc hơi khỏi lãnh thổ Việt Nam”, một cán bộ Công an TP.HCM khẳng định.
Có thể cưỡng chế
Trả lời câu hỏi, nếu Việt kiều hồi hương có nghi vấn nhập xe về bán, sau đó quay trở lại Mỹ sinh sống thì bằng cách nào cơ quan công an làm việc với người này để phục vụ công tác điều tra, một cán bộ Công an TP.HCM cho biết: “Việt kiều hồi hương nhập xe, nghĩa là người này đã là công dân Việt Nam. Cơ quan công an có thể gửi giấy về địa chỉ thường trú của người này để yêu cầu lên làm việc. Nếu sau 3 lần gửi giấy mời mà không đến làm việc thì công an có biện pháp cưỡng chế khác theo quy định pháp luật”.