Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng từ đầu năm đến nay chỉ tăng khoảng 20%/tháng. Tuy nhiên, sau khi trừ đi "bão giá", mức tăng trưởng sức mua thực tế chỉ còn dao động từ 4-6% - mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Song dường như những ảm đạm của tình hình sức mua từ đầu năm đến nay đã nhanh chóng được quên đi. Chuẩn bị cho vụ kinh doanh lớn nhất trong năm, thay vì lo âu quan ngại, giới kinh doanh đang tăng tốc và dốc tổng lực cho công tác thu mua, dự trữ hàng hóa với những mức tăng trưởng doanh số đặt ra vẫn cao đáng ngạc nhiên so với cùng kỳ năm ngoái.
Hồ hởi nhất trong số các nhà kinh doanh có lẽ là các siêu thị. Đến nay, hầu hết hệ thống lớn đã hoàn tất kế hoạch, chốt số lượng hàng hóa trong mùa mua cao điểm sắp tới. Căn cứ vào các diễn biến thực tế, các siêu thị nhìn chung đều lạc quan cho rằng, mức tăng trưởng sức mua sẽ không thấp hơn các năm trước.
Một năm về trước, cơ cấu ngành hàng thực phẩm tại các hệ thống lớn thường chỉ chiếm chưa đến một nửa, đa số là hàng phi thực phẩm. Nhưng nay con số tỷ lệ hàng thực phẩm đã vươn lên chiếm tới 55-60%, cho thấy người tiêu dùng dành chủ yếu ngân sách cho nhu cầu không thể cắt giảm được là ăn uống.
Các siêu thị đón đầu sức mua tăng mạnh cuối năm (ảnh SGTT)
Trong khi giá thực phẩm tươi sống vẫn còn đuổi theo nguồn cung và chờ đợi diễn biến nguồn cầu thì các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo hiện đã chốt xong sản lượng và giá bán.
Đại diện Bánh kẹo Kinh Đô cho biết, mặc dù giá nguyên liệu đều tăng trung bình đến 35% nhưng mùa Tết này hãng chỉ áp dụng mức tăng phổ biến là 15%. Tổng lượng bánh kẹo đưa ra thị trường vào khoảng 3.200 tấn, tăng 15% sản lượng so với Tết 2011.
"Nếu tất cả các doanh nghiệp sản xuất nội địa đều lo sợ sức mua kém mà không gia tăng sản lượng thì có thể cuối vụ còn thiếu hàng. Trong kinh doanh, khó khăn cũng là cơ hội để tinh giản, nâng cao hiệu quả và bứt phá" - ông Đức nhìn nhận tích cực.
Theo Vietstock