Từ vị trí thứ 10 trên bảng xếp hạng, Anh đã đứng trong top 8 quốc gia có chỉ số cạnh tranh cao nhất thế giới – tuy nhiên cũng có cảnh báo về môi trường kinh tế vĩ mô không ổn định. Theo số liệu mới công bố gần đây, tăng trưởng kinh tế Anh không có dấu hiệu khả quan trong 3 quý liên tiếp, bất chấp kỳ vọng thế vận hội Olympics sẽnâng cao sản lượng trong quý 3 năm nay.
Trong báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu, WEF đã ghi điểm mỗi quốc gia theo “12 cột tiêu chí” trong đó có tình trạng cơ sở hạ tầng đến chất lượng hệ thống giáo dục và Y tế.
WEF đã chỉ ra lợi thế nổi bật của từng quốc gia, có thể “đánh bật” các quốc gia khác, ví dụ như thị trường lao động ở Anh khá linh hoạt, doanh nghiệp có thể thuê và đào thải nhân viên dễ dàng hơn, điều đó trái hẳn với chính sách cứng nhắc tại một số quốc gia.
Bộ Tài Chính Anh tỏ ra lạc quan trước đánh giá của WEF: “Anh gia tăng chỉ số cạnh tranh nhờ có chính sách cải cách của chính phủ, tạo ra một lực lượng lao động linh hoạt và chuyên nghiệp, đơn giản hóa hệ thống thuế và các quy tắc cứng nhắc, cắt giảm thuế doanh nghiệp".
Thụy Sỹ đứng đầu bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu nhờ có một số công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc, đội ngũ nhân lực đào tạo chất lượng cao và năng lực tài chính ổn định. Singapore đứng thứ hai với cơ chế đãi ngộ thuế cho ngân hàng và thứ 3 là Phần Lan.
Theo phân tích của WEF, đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu, Đức là quốc gia xếp thứ 6 trong danh sách về chỉ số năng lực cạnh tranh, Pháp ở vị trí 21 và Hy Lạp ở vị trí thứ 96.
Các nhà kinh tế học của diễn đàn Kinh tế Thế giới cho rằng nguyên nhân năng lực cạnh tranh giảm sút ở một số quốc gia khu vực Nam Âu như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ireland và Ý là do các quốc gia này nằm ở trung tâm khu vực khủng hoảng nợ.
Do đó, "cần tích hợp một loạt các biện pháp nâng cao khả năng cạnh tranh như giới thiệu các biện pháp cải cách thị trường lao động, đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực tiềm năng như giáo dục, công nghệ, đổi mới”.