ACB lỗ hơn 1.000 tỷ đồng do kinh doanh vàng và ngoại hối

quoclong |

Thua lỗ trong kinh doanh vàng, ngoại hối là lý do khiến lợi nhuận trước thuế quý III của ACB âm gần 660 tỉ đồng.

ACB lỗ hơn 1.000 tỷ đồng do kinh doanh vàng và ngoại hối 1
Vì vàng, ACB đã lỗ và có thể sẽ lỗ thêm 200 tỉ đồng trong quý IV.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2012 của Ngân hàng Á Châu (ACB) đã khiến thị trường bị sốc, khi ngân hàng này lỗ đến hơn 1.144 tỉ đồng do kinh doanh vàng và ngoại hối, gấp 13 lần so với mức lỗ cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này khiến lợi nhuận trước thuế quý III của ACB âm gần 660 tỉ đồng, so với mức lãi 892 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái.
ACB là tổ chức tài chính có thế mạnh về đầu tư vàng. Vì vậy, việc thua lỗ như một cảnh báo về khả năng kiểm soát rủi ro đầu tư vàng, vốn đang biến động từng ngày.
Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS), kinh doanh vàng và ngoại hối ở ACB bị lỗ là do đã thực hiện việc đóng trạng thái âm vàng quý III. Khi thực hiện mở trạng thái vàng, mỗi lần bán vàng ra trong nước, ACB sẽ mua lại đối ứng trên tài khoản vàng ở nước ngoài nhằm cân bằng trạng thái.
Vấn đề nằm ở chỗ, số vàng này đang được ACB xin phép Ngân hàng Nhà nước cho nhập khẩu. Vì vậy, trong khi chờ đợi, ACB phải mua vàng trong nước để bù đắp dự trữ vàng. Do giá vàng tăng mạnh và chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới đã khiến ACB bị lỗ nặng.
Theo VCBS, với trạng thái âm vàng còn lại khoảng 100.000 lượng, nhiều khả năng ACB sẽ lỗ thêm 200 tỉ đồng trong quý IV tới.
Liệu việc thua lỗ vì vàng của ACB có lặp lại ở các ngân hàng khác? “So với các ngân hàng khác, ACB bị lỗ nặng hơn vì sau khi bầu Kiên bị bắt, nhiều người đến rút tiền và vàng khiến ACB phải tìm các nguồn khác để bù vào. Các ngân hàng khác cũng sẽ bị ảnh hưởng nhưng ít hơn”, ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia về vàng, nhận xét.
Theo ông Khánh, các ngân hàng được phép kinh doanh vàng sẽ dùng nghiệp vụ phòng chống rủi ro và cân đối vàng. Trước đây, họ đã mua 1,2 ounce vàng trên thị trường quốc tế và đồng thời bán 1 lượng vàng tại thị trường trong nước. Việc mua bán này vào lúc ấy có thể lãi 1 triệu đồng/lượng. Bây giờ khi đóng trạng thái, họ sẽ làm ngược lại: bán 1,2 ounce trên tài khoản quốc tế và mua 1 lượng vàng trên thị trường trong nước. Nhưng do giá vàng Việt Nam đắt hơn giá vàng thế giới hơn 3 triệu đồng/lượng, nên họ sẽ chịu lỗ đến 3 triệu đồng/lượng. Như vậy, tính chung lại, họ lỗ khoảng 2 triệu đồng/lượng. Đó là chưa kể các chi phí phát sinh khác.
Những điều này cho thấy một số ngân hàng đang phải chịu rủi ro rất lớn vì vàng. Họ được đặc quyền mua và bán vàng trên thị trường và mở vàng tài khoản tại nước ngoài. Nhưng họ lại không lường trước được diễn biến của thị trường vàng hay các sự kiện không thể kiểm soát như vụ bầu Kiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại