5. Tập đoàn kim cương Dominion (Canada)
Doanh thu năm 2012: 702 triệu USD
Tập đoàn Dominion Diamond (DDC) có trụ sở tại Toronto, khai thác nguồn kim cương chủ yếu từ mỏ Diavik, Lac da Gras, Canada. Công ty được thành lập năm 1994 với tên gọi Aber Diamond Corporation, một thời gian rất ngắn ngay sau khi mỏ kim cương Diavik được phát hiện.
Năm 2004, Aber đã mua 51% cổ phần công ty Harry Winston, một thương hiệu bán lẻ đồng hồ và trang sức sang trọng. Năm 2006, Aber sở hữu toàn bộ Harry Winston Inc., đổi tên thành Harry Winston Diamond Corporation và được niêm yết tại thị trường chứng khoán New York.
Sau khi mua mỏ kim cương Ekati, công ty đổi tên thành Dominion Diamond Corporation. DDC khai thác kim cương thô từ Diavik và Ekati rồi phân loại theo trọng lượng, màu sắc và hình dáng. Số kim cương được phân loại này sau đó chuyển tới văn phòng bán hàng tại Antwerp và Mumbai.
DDC trực tiếp bán kim cương cho các nhà máy sản xuất và cửa hàng bán lẻ, bao gồm cả công ty Tiffany & Co. Có tới 75% kim cương của DDC được bán tại các thị trường mở như Antwerp và Mumbai. Chỉ tính riêng quý 3 năm 2013, mỏ kim cương Diavik đã sản xuất 1,7 triệu carat trong khi con số của mỏ Ekati là 400.000 carat.
4. Công ty Debswana (Botswana)
Doanh thu năm 2012: 1,4 tỷ USD
Debswana là công ty kim cương thuộc chính phủ Botswana với quyền sở hữu và điều hành 4 mỏ Orapa, Letlhakane, Jwaneng và Damtshaa.
Debswana đóng vai trò lớn trong sự phát triểm kinh tế của Botswana, lượng bán kim cương của công ty này đã giúp nước vốn nghèo nhất châu Phi thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Debswana chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu của Botswana và 50% doanh thu của đất nước này.
Debswana là một công ty liên doanh giữa chính phủ Botswana và De Beers. Tất cả các hoạt động khai thác kim cương ở nước này đều được điều khiển bởi Debswana. Không giống như ở các nước khác, De Beers không có hoạt động khai thác tư nhân tại Botswana.
Opara được coi là mỏ khai thác lộ thiên lớn thứ 2 trên thế giới có thể sản xuất 9 triệu carat mỗi năm. Mỏ Jwaneng lại được xem như mỏ kim cương giàu nhất thế giới. Hoạt động ở mỏ Jwaneng chiếm tới 70% tổng thu nhập của Debswana. Theo một báo cáo của De Beer, Debswana là "nhà sản xuất kim cương lớn nhất thế giới tính theo giá trị". Chỉ tính riêng trong năm 2012, công ty đã sản xuất được 20 triệu carat.
Debswana hưởng lợi rất lớn từ tầm ảnh hưởng của De Beer tại thị trường kim cương. Sau khi kim cương được phân loại và sắp xếp, công ty sẽ bán cho các đối tác bán lẻ và phần nhiều nhất vẫn là Công ty Thương mại Kim cương De Beer.
3. Công ty Rio Tinto
Doanh thu năm 2012: 4 tỷ USD
Tập đoàn Rio Tinto là một công ty đa quốc gia được thành lập năm 1873 có trụ sở tại London. Ngoài ra, công ty còn có văn phòng quản lý tại Melbourne và một trụ sở marketing tại Antwerp.
Rio Tinto Diamond là một phần của tập đoàn Rio Tinto với 3 mỏ kim cương, trong đó mỏ Argyle ở phía tây nước Úc là một trong những nguồn kim cương hồng chủ đạo trên thế giới.
Mỏ thứ hai là Diavik với 60% quyền sở hữu (40% quyền sở hữu thuộc tập đoàn Dominion Diamond). Dù Diavik không có trữ lượng lớn nhưng lại sở hữu những viên kim cương tốt nhất thế giới. Diavik sản xuất được 9 triệu carat mỗi năm. Mỏ thứ 3 là Murowa ở Zimbabwe với 78% quyền sở hữu. Mỏ này có quy mô nhỏ hơn với sản lượng 200.000 carat một năm.
Những viên kim cương khai thác từ Australia, Canada và Zimbabwe được gửi đến các cơ sở phân loại của Rio Tinto tại Antwerp, Bỉ. Tại đây, kim cương thô được phân loại và định giá trước khi gửi đến Perth, Australia để cắt và đánh bóng. Thành phẩm sau đó được đưa đến các thị trường kim cương tại HongKong, Mỹ và Ấn Độ.
Rio Tinto Diamonds gần đây đã trở thành tập đoàn nước ngoài đầu tiên được cấp giấy phép thăm dò mỏ kim cương ở quận Chhatarpur, Madhya Pradesh, Ấn Độ.
2. Công ty ALROSA (Nga)
Doanh thu năm 2012: 4,4 tỷ USD
ALROSA trở thành một trong số ít những công ty kim cương có thể cạnh tranh với huyền thoại De Beers sau khi phát hiện mỏ kim cương Verkhne-Munskoye năm 2007. Nguồn cung mới này ước tính đóng góp 3,5 tỷ USD trong tổng giá trị kim cương thô được quản lý và khai thác độc quyền bởi ALROSA..
ALROSA hoạt động ở vùng Yakutsk (Siberia). Công ty khai thác kim cương từ 9 mỏ chính cộng với 10 mỏ bồi tích ở Nga. Ngoài ra, công ty này còn có 32% cổ phần tại mỏ Catoca (Angola).
Nga là nước sản xuất kim cương lớn thứ hai trên thế giới và ALROSA chiếm 94% tổng sản lượng kim cương của đất nước này. Trong năm 2012, ALROSA đã sản xuất 34,5 triệu carat kim cương, nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, ALROSA không thể đánh bại De Beers về mặt doanh thu bởi ALROSA chủ yếu bán kim cương thô.
Kim cương khai thác từ mỏ được sắp xếp, phân loại và đánh giá bởi Doanh nghiệp Thương mại Kim cương Yakutsk thuộc ALROSA (YAPTA). YAPTA cũng đóng vai trò bán kim cương thô cho các doanh nghiệp sản xuất tại vùng Yakutsk. Trong năm 2012, ALROSA đã ký hợp đồng dài hạn để trở thành nhà cung cấp kim cương thô cho các hãng bán lẻ trang sức lớn như Tiffany & Co, Rosy Blue và Chai Tai Fook ở HongKong.
1. De Beers
Doanh thu năm 2012: 6,1 tỷ USD
Cho tới thời điểm hiện tại, chưa công ty nào có khả năng thay thế vị trí dẫn đầu trên thị trường kim cương của De Beers. De Beers là công ty kim cương hàng đầu thế giới hoạt động hơn 125 năm với 15 mỏ khai thác tại 4 nước. De Beers liên doanh với chính phủ Botswana và lập nên công ty Debswana. Tại Canada, De Beers sở hữu 2 mỏ là Snap Lake và Victor.
Tại Nambia, De Beers đồng sở hữu Namdeb Holdings với chính phủ Namibia. Hoạt động khai thác ở đây chủ yếu được thực hiện dưới nước hoặc ở các thị trấn ven biển. De Beers cũng sở hữu De Beers Consolidated Mines ở Nam Mỹ cùng đối tác Ponahalo Holdings. Thuộc tập đoàn De Beers là Công ty Thương mại Kim cương DTC, một chi nhánh phân phối kim cương thô. DTC cũng là nhà cung cấp kim cương lớn nhất trên thế giới, xét về mặt giá trị.
DTC phân loại, đánh giá và sắp xếp kim cương thô được khai thác ở Botswana, Canada, Nam Phi và Namibia. De Beers cũng bán các bộ trang sức thông qua công ty trang sức De Beers Diamond, một nhánh bán lẻ liên kết cùng tập đoàn Louis Vuitton Moët Hennessy (LVMH) với hơn 50 cửa hàng trên toàn thế giới.