Kiểu cha mẹ như 'báu vật' của con cái

Hiểu Đan |

Hãy xem bạn có phải là kiểu cha mẹ này không nhé!

Cách đây vài ngày, một topic về chủ đề: "Ứng xử của cha mẹ khi bạn làm vỡ đồ" thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng.

Một người kể khi còn nhỏ, có lần cô vô tình làm vỡ chiếc bát sứ đựng cơm. Mẹ liền mắng cô bằng giọng giận dữ: "Sao con lại bất cẩn thế, không trân quý đồ ăn cũng như đồ đạc trong nhà. Con cho rằng cha mẹ kiếm tiền dễ dàng sao? Những thứ này đều phải làm bằng mồ hôi nước mắt của chúng ta đấy". Cô con gái sợ hãi và cảm thấy như mình đã làm điều gì đó rất khủng khiếp. Càng bị mẹ mắng cô càng tự trách mình: "Ước gì lúc đó tôi đã cẩn thận hơn".

Một lần khác, cô vô tình bị ngã và làm bẩn quần áo. Đúng như dự đoán, lại có một cơn bão nữa ập tới: "Sao con ngốc nghếch thế? Đã lớn như vậy rồi, đi mà không nhìn đường, nếu có xe cộ là bị tông rồi? Cởi đồ ra, vào toilet mà tự giặt tay, tuyệt đối không được bỏ vào máy giặt. Tự làm cho hết tính hậu đậu đi".

Cô gái xót xa và không hiểu nổi: Hiển nhiên là cô không phải cố ý làm rơi bát xuống, quần áo cũng không bị hư hại gì, chỉ cần giặt là được. Tại sao mẹ lại mất bình tĩnh như vậy? Tại sao mẹ lại khiến cô đau khổ vì một việc nhỏ? Có phải bố mẹ nào cũng sẽ ứng xử như thế không?

Mãi sau này cô mới hiểu: Hóa ra không phải trẻ em nào cũng bị như vậy. Ở một số gia đình, trẻ sẽ không bị la mắng vì mắc lỗi nhỏ, thậm chí có thể được người nhà lo lắng, an ủi.

Một số cha mẹ rất giỏi… tạo ra căng thẳng

Trong bầu không khí cha mẹ dễ "bùng nổ", nếu con cái lỡ làm vỡ đĩa, đổ đồ ăn hoặc mắc lỗi trong bài kiểm tra, con sẽ phải đối mặt với sự chỉ trích nặng nề. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ quên rằng họ cũng từng là những đứa trẻ. Khi ngơ ngác bước vào thế giới này, việc một đứa trẻ mắc sai lầm là điều bình thường.

Theo nghiên cứu, những gia đình quá căng thẳng sẽ nuôi dạy hai kiểu trẻ con:

Kiểu thứ nhất là đứa trẻ thích nói dối: Sau khi phạm sai lầm, trẻ sẽ vô thức nói dối để tránh sự trách móc và trừng phạt của cha mẹ. Sự căng thẳng do cha mẹ tạo ra đã trở thành nguyên nhân khiến trẻ hình thành thói quen xấu này.

Kiểu thứ hai là những đứa trẻ không dám phạm sai lầm: Vì mắc sai lầm sẽ bị trừng phạt nên trẻ lùi bước, không dám phạm sai lầm, không dám mạo hiểm và luôn ở trong vùng an toàn của mình. Những đứa trẻ như vậy sẽ bỏ qua cơ hội được trưởng thành cũng như bỏ lỡ những tiềm năng phát triển trong tương lai.

Gần đây, xuất hiện đoạn video được thảo luận hơn 10.000 lần trên một diễn đàn lớn: Một gia đình biết cảm thông sẽ hạnh phúc như thế nào? Trong video có cảnh một cô bé chạy vội đến giúp bố mẹ dọn bàn. Dù không cao nhưng em vẫn kiễng chân cố gắng vì muốn chia sẻ công việc nhà với bố mẹ. Không ngờ, em vô tình làm rơi cốc nước trên bàn xuống đất, cốc vỡ thành từng mảnh, nước tràn ra khắp sàn nhà.

Kiểu cha mẹ như báu vật của con cái - Ảnh 1.

Nhìn thấy chuyện xảy ra trước mắt, cô bé có chút choáng váng và tỏ vẻ áy náy. Người lớn nghe thấy tiếng động liền vội vàng bước vào, dùng chổi lau chùi rồi an ủi cô bé: "Không sao đâu. Con đang làm gì đó thì vô tình làm vỡ phải không? Đó không phải là cố ý, không có gì đâu con".

Cô bé thấy mình không bị khiển trách liền thả lỏng tâm trạng và tiếp tục hoàn thành công việc còn dang dở.

Tiếp theo video này, sau bữa tối, người bố dọn dẹp bàn ăn. Chiếc đĩa vô tình bị rơi, cô con gái đứng bên cạnh an ủi: "Không sao đâu bố". Vừa nói, em vừa trấn an bố, rồi lấy chổi quét sạch thức ăn trên sàn nhà.

Có người đã bình luận: "Khi lớn lên, cô ấy sẽ là một người ổn định về mặt cảm xúc, dịu dàng và thoải mái".

Trên thực tế, phạm sai lầm là điều bình thường, chỉ cần không liên quan đến vấn đề đạo đức thì không cần quá nghiêm trọng. Khi một đứa trẻ nhận ra mình đã phạm sai lầm, hầu hết đều thực sự buồn và tự trách. Là cha mẹ, điều quan trọng nhất là hướng dẫn chứ không phải trừng phạt khắc nghiệt. Đồ vật hư có thể sửa chữa, mua lại, nếu mối quan hệ bị tổn hại, cái mất sẽ lớn hơn rất nhiều.

Có cha mẹ ổn định cảm xúc sẽ là báu vật của đời con cái

Nhiều phụ huynh sẽ nghĩ: "Trẻ con ngày nay không được phép đánh, mắng, vậy cha mẹ dạy dỗ thế nào? Làm sao một đứa trẻ chưa bao giờ bị đánh mắng có thể đủ mạnh mẽ để đối mặt với những thử thách trong tương lai?".

Trước hết, điều chúng ta cần hiểu: Giáo dục có nghĩa là dạy dỗ và nuôi dưỡng. Một số người cho rằng "giáo dục bạo lực" là hiệu quả nhất. Trên thực tế, đây là phương pháp nhanh nhất và ít rắc rối nhất nhưng tác hại của nó sẽ ảnh hưởng đến trẻ suốt đời.

Thứ hai, sở dĩ trẻ trở nên mạnh mẽ là vì chúng nhận được đủ yêu thương, đủ sức mạnh để chịu đựng những khó khăn, thất bại bên ngoài chứ không phải vì bị nhiếc mắng hay đánh đòn.

Nếu con mắc lỗi nhỏ không cố ý thì không có gì đáng trách. Chỉ cần nói với con rằng không sao cả, an ủi con rồi cùng nhau giải quyết vấn đề. Nếu trẻ cố tình làm vậy, hãy hỏi trẻ tại sao. Sau khi tìm hiểu mọi chuyện, đừng vội vàng giáo dục con cái. Hỏi con rằng: "Con cảm thấy như thế nào?". Đây là cơ hội để trẻ bộc lộ cảm xúc của mình. Chỉ khi giải tỏa được hết những khó chịu trong lòng, trẻ mới bình tĩnh lại và lắng nghe ý kiến của người khác. Cha mẹ cũng nên tỏ thái độ đồng cảm với cảm xúc của con.

Sau khi mọi chuyện qua đi, hãy cho trẻ cơ hội nhìn nhận lại những việc mình làm. Điều này cũng sẽ phản ánh lại cách giải quyết của trẻ có hiệu quả hay không. Nhiều bậc cha mẹ tin rằng con mình còn nhỏ, không làm được gì. Nhưng thực tế, ngay cả khi còn nhỏ, trẻ cũng sẽ có cách giải quyết riêng cho mọi vấn đề.

Cha mẹ cũng đừng quên nói với con rằng nếu lần sau gặp khó khăn, con có thể trao đổi trực tiếp và nhờ giúp đỡ. Cha mẹ luôn ở đây, sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu, không phán xét hay chăm chăm trừng phạt con.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại