Đội tàu sân bay của Hải quân Mỹ hiện nay gồm 11 chiếc hàng không mẫu hạm hạt nhân với: 10 chiếc lớp Nimitz và 1 chiếc lớp Gerald R. Ford (CVN-78). Và số lượng này trong tương lai sẽ còn tăng thêm khi Mỹ vẫn đang tiếp tục đóng thêm các tàu CVN-78 vừa để bổ sung, vừa thay thế cho lớp Nimitz.
Với một hạm đội tàu sân bay hùng mạnh như vậy, chưa kể lực lượng tàu hộ tống gồm khu trục hạm, tuần dương hạm đi kèm, điều này cho thấy sức mạnh thống trị trên các đại dương. Tuy nhiên, trên thực tàu sân bay Mỹ đang đứng trước nhiều thách thức chưa thể hóa giải.
Theo bài viết của Harry Kazianis trên tờ National Interest, có 3 vấn đề mà giới phân tích đã chỉ ra đối với các tàu sân bay Mỹ. Một là hạm đội tàu sân bay Mỹ hiện đã già cỗi và lạc hậu, chẳng khá hơn là mấy so với các tàu chiến ở giai đoạn cuối Chiến tranh thế giới thứ 2.
Hai là chi phí, giá thành sản xuất thuộc vào loại đắt đỏ nhất trong số các trang thiết bị quân sự, trong bối cảnh ngân sách quốc phòng bị cắt giảm. Ba là các tàu sân bay Mỹ đang đứng trước nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi trên đại dương do sự phổ biến của các loại tên lửa hiện đại.
Dưới góc nhìn cá nhân, trong bài viết của mình, chuyên gia Harry Kazianis cho rằng vấn đề thứ ba là nan giải nhất đối với hạm đội tàu sân bay của Mỹ. Theo vị này, Mỹ triển khai tàu sân bay tới Địa Trung Hải hồi cuối năm 2016 nhằm chống phiến quân cũng không thể che giấu một thực tế là "tầm với" của các tàu này bị hạn chế. IS hay các chủ thể phi nhà nước tương tự đều không có tiềm lực đáp trả các tàu sân bay của Mỹ.
Trong khi đó, câu chuyện sẽ khác đi nếu xảy ra một cuộc xung đột quy mô lớn giữa Mỹ và một cường quốc như Nga, Trung Quốc hay thậm chí là Iran. Với kịch bản này, hạm đội tàu sân bay của Mỹ sẽ phải đón những cơn mưa tên lửa từ đối thủ khi các nước này đều nắm trong tay nhiều tên lửa chống hạm tầm xa hiện đại.
Theo National Interest, cả Nga và Trung Quốc đang xây dựng chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) mạnh mẽ. Các tàu ngầm hạt nhân Nga có thể mang cả tên lửa hành trình chống hạm Kalibr 3M-54 có phạm vi hoạt động lên tới hàng trăm km và tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh P-800 Oniks với tầm phóng hơn 600km.
Nếu các tiêm kích hạm trên tàu sân bay Mỹ có thể xuất kích, chúng sẽ gặp phải một sát thủ ghê gớm là hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400, với phạm vi tấn công xa đến 400km và sắp tới là hệ thống S-500 với tầm phóng tới 600km.
Đối với Trung Quốc, nước này cũng đã tuyên bố chế tạo thành công tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26 có tầm phóng lên tới 3.500km. Vấn đề đặt ra là để tránh trở thành mục tiêu tấn công của các tên lửa chống hạm, các tàu sân bay Mỹ phải nằm ngoài phạm vi tấn công hiệu quả của chúng. Và như vậy, các tiêm kích hạm của Mỹ với tầm hoạt động hạn chế, sẽ không thể tấn công trúng các mục tiêu mà các loại tên lửa này bảo vệ. Lời giải cho vấn đề kể trên chính là Mỹ cần chế tạo tiêm kích hạm có tầm bay đủ xa.
Theo chuyên gia Harry Kazianis, một tiêm kích hạm lý tưởng sẽ có tầm bay ít nhất là 4.000km. Lý do đưa ra con số 4.000km là bởi vì tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26 hiện đã có tầm phóng tới 3.500km. Cho tới nay, Mỹ đã tiêu tốn hàng tỷ USD vào chương trình nghiên cứu và phát triển phiên bản sử dụng cho hải quân của dòng máy bay F-35 với phạm vi hoạt động tối đa có thể chỉ đạt khoảng 1.000km.
Trong khi đó, để phát triển được loại máy bay như vậy phải mất ít nhất là 10 năm nữa và điều quan trọng là cần phải có ngân sách và ý chí chính trị. Vì vậy, ít nhất là trước mắt và trong trung hạn, việc sức mạnh răn đe và uy lực của các tàu sân bay Mỹ bị vượt mặt là chuyện không có gì phải tranh cãi. (Ảnh trong bài: Tổng thống Donald Trump thăm tàu sân bay USS Gerald R. Ford hồi đầu tháng 3/2017).