Đại sứ Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tại Mỹ Yousef Al Otaiba ngày 13/6 tuyên bố, các nước Arab không tính đến việc sử dụng giải pháp quân sự để chống lại Qatar, song nhấn mạnh sẽ gia tăng các sức ép kinh tế.
Ông Otaiba cũng đảm bảo rằng, căn cứ quân sự của Mỹ tại Qatar sẽ không bị ảnh hưởng bởi căng thẳng ngoại giao hiện nay. Trong một tuyên bố khá bất ngờ, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir ngày 13/6 “dịu giọng” với Qatar nhấn mạnh rằng, nước này không áp đặt "phong tỏa" đối với Qatar bằng việc đóng cửa biên giới và cấm các hãng hàng không Qatar vào không phận Saudi Arabia.
Ông Adel al-Jubeir cũng khẳng định, Saudi Arabia sẵn sàng hỗ trợ thực phẩm và y tế tới Qatar nếu cần thiết: “Qatar có thể tự do đi lại. Các cảng và sân bay được mở.
Biên giới giữa hai nước chỉ là trên bộ, và quyết định đóng cửa không phận đối với hãng hàng không Qatar Airways chỉ ảnh hưởng đến các máy bay của riêng hãng này. Đây là hành động hoàn toàn hợp lý" và thuộc "chủ quyền" của Saudi Arabia”.
Khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất trong khu vực 6 nước Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh hạ nhiệt, sau khi nhiều nước lên tiếng kêu gọi dỡ bỏ lệnh phong tỏa nhằm vào Qatar cũng như hối thúc các nước đối thoại để giải quyết khủng hoảng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert ngày 13/6 cho biết, đã có tiến bộ trong nỗ lực giải quyết căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh, đồng thời nhấn mạnh: "Điều tồi tệ nhất đã qua".
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 14/6 có chuyến thăm Qatar và sau đó có thể là Saudi Arabia để thúc đẩy nỗ lực ngoại giao chấm dứt khủng hoảng khu vực.
“Tôi sẽ tới Qatar và sẽ là một điều tốt khi tiếp tục lắng nghe quan điểm và ý kiến của Saudi Arabia. Chúng tôi sẽ thảo luận các biện pháp để hỗ trợ các bên giải quyết khủng hoảng. Tôi tin rằng đây sẽ là các cuộc thảo luận tích cực”, ông Cavusoglu nói.
Mặc dù vậy, giới quan sát nhận định, những nỗ lực hòa giải để tìm ra giải pháp khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh dường như đang phức tạp hơn với những tín hiệu không rõ ràng từ chính quyền Mỹ- một đồng minh với tất cả các bên trong cuộc khủng hoảng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích mối quan hệ của Qatar với khủng bố, trong khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lại thúc đẩy nỗ lực để giảm căng thẳng.
Một chuyên gia phân tích của Trung tâm nghiên cứu chính sách tại Mỹ Sanam Vakil nhận định, cả Qatar và môt phía do Saudi Arabia dẫn đầu đang tập trung vào lập trường của Mỹ. Tuy nhiên, chính Mỹ cũng khó có thể đưa ra một lập trường ràng về việc nên cô lập Qatar hay thúc đẩy đối thoại giữa các nước Vùng Vịnh.
Nhận định về điều này, ông Sanam Vakil cho rằng, Tổng thống Donald Trump đang muốn đứng về phía Saudi Arabia và các đồng minh, nhưng vẫn kiềm chế để đảm bảo bất đồng này không leo thang, có thể dẫn tới nguy cơ xung đột kéo dài.
Căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh đã bước sang tuần thứ hai và các hậu quả của nó đã bước đầu tác động đến nền kinh tế Qatar và cả thế giới. Qatar nước sản xuất khí heli lớn thứ hai thế giới, đã buộc phải đóng cửa 2 nhà máy sản xuất heli vì biện pháp kinh tế mà các nước Arab tại vùng Vịnh áp đặt.
Theo các chuyên gia, trước mắt tác động đến thị trường heli toàn cầu chưa lớn bởi các nước tiêu thụ có thể sử dụng các kho dự trữ và tìm các lựa chọn thay thế. Tuy nhiên, việc vận chuyển qua đường biển sẽ tốn kém hơn nhiều và nếu căng thẳng ngoại giao hiện nay kéo dài một tháng hoặc hơn, sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu./.