Cảnh báo được đưa ra trong chuyến thăm của ông Guterres tới Samoa.
Phát biểu trong chuyến thăm Samoa, Tổng Thư ký Liên hợp quốc nêu rõ dù khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ tạo ra 0,02% lượng khí thải carbon toàn cầu, nhưng các quốc đảo trong khu vực đang “ở tuyến đầu” của cuộc khủng hoảng khí hậu, phải ứng phó với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, từ những cơn bão nhiệt đới mạnh đến các đợt nắng nóng kỷ lục ở đại dương.
Bên cạnh đó, mực nước biển tại Thái Bình Dương đang dâng cao, thậm chí nhanh hơn mức trung bình trên toàn cầu, đe dọa tới hàng triệu người dân tại Samoa, Thái Bình Dương và các quốc đảo nhỏ đang phát triển khác.
Ông Guterres nhấn mạnh tình trạng này khiến người dân, các nền kinh tế chịu tác động nghiêm trọng, toàn bộ các vùng lãnh thổ đối mặt với nguy cơ “hủy diệt”.
Trước tình hình này, Tổng Thư ký Guterres hối thúc các nước thu nhập cao thực hiện đúng cam kết của mình trong việc giúp chi trả cho hậu quả của biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển.
(Ảnh: Unite for Change)
Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết các thách thức từ biến đổi khí hậu, tình trạng đánh bắt cá quá mức và ô nhiễm rác thải nhựa trên Thái Bình Dương.
Theo ông Guterres, “số phận” của các đảo trên Thái Bình Dương phụ thuộc vào việc giới hạn ngưỡng tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Gần 200 quốc gia đã cam kết phấn đấu thực hiện mục tiêu này trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Tuy nhiên, theo ước tính của Liên hợp quốc, thế giới đang không đi đúng hướng để đạt mục tiêu này.
Liên hợp quốc sẽ sát cánh cùng khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong việc kêu gọi công lý và thay đổi; hành động toàn cầu để hỗ trợ Lục địa Xanh và tương lai của người dân nơi đây; đặc biệt xem xét tăng mạnh nguồn tài trợ cho việc thích ứng của các quốc gia đang phải gánh chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.