Cho đến thời điểm hiện tại, Hải quân Mỹ có trong biên chế tổng cộng 3 tàu khu trục lớn nhất thế giới lớp Zumwalt (lượng giãn nước đầy tải 16.000 tấn).
Khi mới chế tạo, chúng được kỳ vọng trở thành những "tàu tàng hình" đa năng với vũ khí tên lửa dẫn đường, thể hiện sự vượt trội về công nghệ và sức mạnh quân sự ngoài khơi bờ biển của kẻ thù.
Tuy nhiên trong suốt 6 năm qua kể từ khi chiếc đầu tiên thuộc dòng USS Zumwalt (DDG-1000) được đưa vào hoạt động, những "khu trục hạm của thế kỷ 21" này đã thực sự trở thành những con tàu vô dụng nhất của hạm đội Mỹ.
Ngoài tàu dẫn đầu của lớp, Hải quân Mỹ còn có thêm 2 chiếc là USS Michael Monsoor (DDG-1001) và USS Lyndon B. Johnson (DDG-1002). Các khu trục hạm này lần lượt được đưa vào biên chế Hải quân Mỹ trong tháng 1/2019 và tháng 12/2018.
Tàu USS Zumwalt - chiếc đầu tiên trong loạt tiêu tốn của người nộp thuế Mỹ 4,4 tỷ USD, cao gấp hơn 2 lần so với phiên bản tiên tiến nhất Flight III của tàu khu trục Arleigh Burke.
Bề ngoài, các tàu khu trục lớp Zumwalt trông có vẻ rất "tương lai". Mũi tàu kiểu "úp ngược" mang lại khả năng hoạt động ổn định hơn khi biển động so với các loại tàu khác. Tốc độ cũng tương đối ấn tượng đối với một "người khổng lồ" khi đạt tới con số 30 hải lý/h (55 km/h).
Theo Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, động cơ của USS Zumwalt tạo ra khoảng 78 megawatt năng lượng, tương đương với tàu sân bay hạt nhân. Con tàu có hệ thống radar tốt và 80 ống phóng tên lửa thẳng đứng. Mặc dù vậy, tới đây cũng là nơi mặt tích cực kết thúc.
Khu trục hạm USS Zumwalt (DDG-1000) của Hải quân Mỹ.
Cần lưu ý rằng các tàu khu trục lớp Zumwalt liên tục gặp vấn đề với hệ thống cung cấp năng lượng, thiếu sót này bị cho là ở mức "mãn tính". Ngoài ra DDG-1000 cũng gặp vấn đề lớn với vũ khí. Không chỉ có vậy, hóa ra khả năng tàng hình của con tàu thấp hơn nhiều so với tính toán.
Nhiều chuyên gia quân sự Mỹ đánh giá, lớp tàu này gần như hoàn toàn thất bại trong việc hoàn thành vai trò dự định ban đầu đó là một khu trục hạm đa năng, trong khi tổng chi phí vượt quá mức chịu đựng, điều này đặt ra câu hỏi về tính khả thi của chương trình, thậm chí ngay cả khi các tàu khu trục nói trên có thể hoạt động như dự định.
Điểm gây sốc nằm ở chỗ hóa ra những chiến hạm đắt đỏ này đơn giản là vẫn chưa được trang bị tên lửa chống hạm, ngư lôi chống ngầm và tên lửa phòng không. Đó là chưa kể đến việc những khẩu pháo công nghệ cao của Zumwalt bị vô hiệu hóa khi các đô đốc Mỹ dứt khoát từ chối mua đạn pháo với giá 800.000 USD mỗi quả, tương đương chi phí của tên lửa hành trình.
Các chỉ huy Hải quân Mỹ đã cảm thấy vô cùng thất vọng và suy nghĩ trong nhiều năm về việc đặt những chiếc "vali không tay cầm" chỉ nổi tốt trên mặt nước này vào đâu.
Lúc đầu, họ muốn biến chúng thành "thợ săn tàu" và phương tiện mang vũ khí hạt nhân, bây giờ họ có kế hoạch tích hợp tên lửa siêu thanh nhưng vũ khí này chỉ xuất hiện sớm nhất vào năm 2025, cho tới thời điểm đó, khu trục hạm Zumwalt chẳng có vai trò gì ngoài "đồ trưng bày đắt giá".