Tuần trước, Tổng thống Joe Biden tuyên bố rằng Mỹ sẽ hỗ trợ nỗ lực của các đồng minh nhằm cung cấp tiêm kích tiên tiến như F-16 và huấn luyện phi công cho Ukraine. Ngay sau đó, chính quyền Mỹ đã cung cấp một số chi tiết về kế hoạch trang bị cho Không quân Ukraine các máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất hoặc các máy bay thế hệ thứ 4 khác.
Một máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay quân sự của Mỹ tại Spangdahlem. Ảnh: Getty Images
Ông Kendall cho biết, sẽ mất ít nhất vài tháng trước khi Ukraine có khả năng vận hành tiêm kích F-16 và một số điều cần được giải quyết trước khi lực lượng Không quân Ukraine có thể sử dụng máy bay chiến đấu của phương Tây với số lượng lớn.
“Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi sẽ không gửi F-16 hoặc một máy bay chiến đấu phương Tây khác với số lượng đáng kể cho Không quân Ukraine trong vòng ít nhất là vài tháng”, ông Kendall nói.
Tuy nhiên, theo một quan chức Không quân Mỹ, đó vẫn là khoảng thời gian tương đối nhanh, vì thông thường phải mất hơn 2 năm để đào tạo một phi công mới của Mỹ sử dụng máy bay chiến đấu F-16.
Theo vị quan chức này, một khóa học bồi dưỡng cho phi công lái F-16 đã dừng lái máy bay chiến đấu trong một khoảng thời gian dài, có thể kéo dài tới 5 tháng.
Trước đây, Mỹ đã lập luận rằng máy bay chiến đấu không nằm trong danh sách vũ khí ưu tiên hàng đầu và sẽ nhanh chóng rút cạn nguồn ngân sách sẵn có cho viện trợ Ukraine, thay vì các vũ khí quan trọng hơn như xe tăng Abrams và hệ thống tên lửa Patriot.
Quyết định mới nhất của chính quyền Tổng thống Biden có thể tạo một bước ngoặt trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine và có ý nghĩa như một “cam kết lâu dài đối với quyền tự vệ của Ukraine”.
Trong khi đó, giới chức Nga nhiều lần cảnh báo việc Mỹ và phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ khiến cuộc xung đột kéo dài, đồng thời các loại vũ khí này sẽ trở thành “những mục tiêu quân sự hợp pháp” của Moscow.